Những năm qua, nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả kinh tế cao đã được bà con nông dân xã Long Mỹ mạnh dạn đầu tư kinh phí, công sức để chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn trái, hoa màu, năm 2015, mô hình trồng cây đậu phộng đã được bà con nông dân áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu chỉ có từ 12 hộ, đến nay, toàn xã có 33 hộ trồng đậu phộng, tập trung ở khu vực ấp Mỹ Hòa, với diện tích gần 4 hecta. So với cây khoai mì, cây đậu phộng dễ trồng, dễ chăm sóc mau thu hoạch, nhất là vốn đầu tư ít. Sau khi cày xới đất, nông dân gieo hạt đậu phộng theo luống, khoảng 7 ngày, đậu phộng nảy mầm, 10-15 ngày mọc thành cây. Để nuôi cây khỏe và phát triển mạnh, nông dân bón thêm phân và tưới nước mỗi ngày. Đậu phộng trồng từ 3-4 tháng sẽ thu hoạch.
Có hơn 3 sào đất trồng khoai mì, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bởi vì nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, không đủ nước tưới, ông Lê Văn Dũng đã chuyển sang trồng đậu phộng. 1 năm trồng 3 vụ. Trừ các chi phí, ông thu về từ 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng cây đậu phộng đã lấy hết hạt để nuôi bò, giảm bớt chi phí mua cỏ và thời gian cắt cỏ.
Theo tính toán của bà con nông dân, 1 năm trồng 3-4 vụ đậu phộng. 1 vụ thu hoạch 3-4 tấn/hecta. 1 tấn có giá dao động từ 10-12 triệu đồng. Trừ các chi phí, bà con nông dân có lãi từ 80-90 triệu đồng. Ngoài ra, do cây đậu phộng dễ trồng, dễ chăm sóc, bà con nông dân còn trồng xen canh với các cây ăn trái khác.
Thu hoạch là khâu vô cùng quan trọng. Để thu hoạch kịp lứa và đủ số lượng bán cho thương lái, các hộ trồng đậu phộng chủ động giúp đỡ nhau trong việc vần đổi công. Bên cạnh, các hộ còn liên hệ với các nông dân có nuôi bò đến phụ giúp nhổ cây, lặt đậu, sau đó lấy cây về cho bò ăn. Theo kinh nghiêm, so với các loại cỏ, cây đậu phộng dùng để nuôi bò rất tốt. Bò sẽ khỏe, mập và phát triển rất nhanh.
Một trong những yếu tố khiến bà con nông dân xã Long Mỹ manh dạn chuyển đổi từ trồng mì sang trồng đậu phộng là: Đầu ra ổn định và thu nhập cao. Cứ bình quân, một năm bà con nông dân thu nhập từ 80-90 triệu đồng. Mức thu nhập này không hề nhỏ đối với các hộ nông dân. Cùng với việc luộc đậu phộng bán lẻ cho các chị tiểu thương ở chợ Phước Hải, Đất Đỏ, trên địa bàn xã có 3 thương lái tổ chức thu mua toàn bộ đậu phộng của 33 hộ để cung cấp cho các cơ sở ép dầu, làm bánh.
Với hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định, cây đậu phộng ngày càng khẳng định vị trí của nó. Bằng chứng là có nhiều hộ nông dân chọn trồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Và chính thế, mô hình “Trồng cây đậu phộng tăng thu nhập cho nông dân” được Khối dân vận xã chọn, báo cáo thành tích và đăng ký về Ban dân vận Huyện ủy. Ban dân vận Huyện ủy Đất Đỏ thống nhất chọn “Trồng cây đậu phộng tăng thu nhập cho nông dân” là mô hình điểm và đề nghị Ban dân vận tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng.
Trồng cây đậu phộng không quá mới đối với bà con nông dân xã Long Mỹ nhưng có sự quan tâm của chính quyền, các hội đoàn thể, khu dân cư, sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân, sự bao tiêu thu mua sản phẩm của thương lái và đầu ra ổn định, mô hình trồng cây đậu phộng đã tạo ra hiệu quả kinh tế mới, mang lại niềm vui mới, góp phần xây dựng nông thôn mới; nhất là giữ vững và nâng cao hơn nữa tiêu chí số 10- thu nhập, từ 34 triệu đồng lên 54 triệu đồng vào năm 2020.