Người ta thường nói: “Gia đình là nơi để yêu thương”. Từ lâu, gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, nơi mà mỗi chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình. Nhắc đến bạo lực gia đình, có thể nói đây là một vấn nạn mang tính toàn cầu, nó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ, trẻ em, mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.
Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, kiểm soát tiền bạc… Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.
Theo Viện Xã Hội Học: “Các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... chưa được dân người dân xem là các hình thức bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, bị thương)”.
Rõ ràng, bạo lực gia đình không chỉ là sự ứng xử bằng “nắm đấm” của người chồng đối với vợ, mà đôi khi còn là sự khủng bố tinh thần như lăng mạ hoặc im lặng theo kiểu “chiến tranh lạnh” với nhau. Thực tế, trong xã hội hiện nay, một điều dễ nhận thấy là bạo lực thể xác thường diễn ra với những gia đình có trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè cờ bạc. Ngược lại, bạo lực tinh thần thường nảy sinh trong gia đình trí thức như một "mặt trái của nền kinh tế thị trường".
Nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật…, ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi. Và một nguyên nhân nữa dẫn đến bạo lực gia đình đó là “Bất bình đẳng giới“.
Ngoài ra, một động cơ khác làm bùng nổ tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến trầm cảm và rối loạn tinh thần, nhiều trường hợp đã dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí có thể tử vong. Một điều rất thương tâm là, sống trong một gia đình thường xuyên bị bạo lực, nhiều trẻ em lớn lên đã mang theo một nỗi ám ảnh tinh thần về những cách ứng xử thô bạo của bố mẹ với nhau. Nên chăng, những người làm cha, làm mẹ hãy giữ cho con em mình có một tuổi thơ trọn vẹn, để các em có thể sống đúng với lứa tuổi của mình, đừng vì lỗi lầm của người lớn gây ra mà làm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.
Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình và những hệ lụy của bạo lực gia đình gây ra, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, hơn ai hết là sự cảm thông, chia sẻ của từng thành viên trong gia đình. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra trong những tháng còn lại của năm 2017, thiết nghĩ chúng ta cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền về bạo lực gia đình trên mọi phương diện. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương, những nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và các giá trị truyền thống văn hóa gia đình; cổ động trực quan bằng các thông điệp về gia đình, về giới, bình đẳng giới. Ngoài ra, tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao, các hội thi, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu, sinh hoạt câu lạc bộ….Chú trọng nội dung về sự chia sẻ của nam giới trong xây dựng gia đình, bình đẳng giới, không phân biệt giới tính….
Công tác phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới phát triển và bền vững./.