Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh của dân tộc, biết bao người lính đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì đất nước. Phía sau họ là quê hương, gia đình, những người mẹ, người vợ đảm đang, tần tảo, thủy chung son sắt. Đó chính là hậu phương vững chắc động viên người lính chắc tay súng bảo vệ quê hương, là chỗ dựa giúp họ vượt qua những đớn đau bệnh tật của thời chiến tranh.
Căn nhà nằm khiêm nhường trong ngõ nhỏ ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé, mái tóc đã điểm sương đang lay hoay với công việc thường ngày của gia đình, đó là vợ liệt sĩ Phan Văn Sáng, bà Hứa Thị Sung. Như gặp lại người thân trong gia đình, bà kể đủ thứ chuyện cho chúng tôi nghe, về chuyện con, chuyện cháu và cả về chuyện thời vợ chồng bà gặp nhau khi còn tham gia kháng chiến.
Bà kể, hai vợ chồng gặp nhau và tuyên bố cưới năm 1965, lúc liệt sĩ Phan Văn Sáng đang hoạt động cách mạng tại Khu căn cứ Minh Đạm, còn bà là cán bộ tiếp tế lương thực, cung cấp tin tức cho địa phương. Năm 1966, bà sinh người con trai, cái cảm giác sinh con mà không có chồng bên cạnh, tuy buồn, nhưng bà vẫn vững tin, tự động viên bản thân, chồng mình không về được là vì đang chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ sự bình yên cho gia đình. Chiến tranh ác liệt, liệt sĩ Phan Văn Sáng đã không kịp nhìn con trưởng thành. ông hy sinh năm 1968 trong một trận càn quét của quân địch. 4 năm lấy nhau, hai vợ chồng chỉ vọn vẹn gặp nhau vài lần và cha về thăm con chỉ duy nhất 1 lần khi đứa con vừa tròn 6 tháng tuổi.
Nỗi đau mất chồng không làm bà ngã quỵ, bà cố gắng tảo tần sớm hôm để nuôi con ăn học, khôn lớn và tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, nối tiếp những hoài bão của liệt sĩ Phan Văn Sáng.