Vụ khoai mì vừa qua, nhiều nông dân trong tỉnh “trắng tay” do bệnh chổi rồng hoành hoành. Bệnh này lây lan nhanh và hiện chưa có thuốc trị hiệu quả, do vậy, các chuyên gia khuyến cáo phòng bệnh là giải pháp duy nhất để giảm thiểu thiệt hại.
BỆNH NGUY HIỂM
Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT& BVTV) tỉnh cho biết, vụ khoai mì vừa qua, toàn tỉnh có hơn 500ha mì bị nhiễm bệnh chổi rồng (chiếm 20% tổng diện tích), cá biệt, có nhiều vùng đất cát pha, bạc màu, nghèo dinh dưỡng tỷ lệ nhiễm bệnh đến hơn 50%. Các giống mì nhiễm bệnh chổi rồng phổ biến là KM94, KM60, KM95 và CUK, trong đó giống KM94 có tỷ lệ nhiễm bệnh chổi rồng nặng nhất.
Theo công bố mới nhất của Viện Bảo vệ thực vật, bệnh chổi rồng do Phytoplasma (dịch khuẩn bào) là tác nhân gây bệnh. Nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng thông qua hom giống và côn trùng môi giới. Đây là loại bệnh mới xuất hiện ở nước ta, nhưng rất nguy hiểm vì lây lan nhanh và chưa có thuốc chữa trị. Cây khoai mì bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch, cây bị bệnh muộn thường giảm 10-20% năng suất và giảm 20-30% hàm lượng tinh bột.
Cũng theo ông Sơn, lo lắng nhất hiện nay là việc xác định các vật chủ truyền bệnh thuộc nhóm các côn trùng chích hút như bọ phấn, nhện đỏ, rệp sáp... cũng còn nằm trong diện “nghi vấn” và chưa có một nghiên cứu chính thức công bố cụ thể về “cơ chế truyền bệnh”, vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc tìm kiếm những vùng trồng khoai mì được cho là “sạch bệnh” để khuyến cáo người dân chọn làm cây làm hom giống cũng là vấn đề nan giải hiện nay.
PHÒNG BỆNH
Trước diễn biến của bệnh chổi rồng và trong điều kiện cho phép hiện nay, ông Sơn khuyến cáo, người trồng mì hạn chế sử dụng giống mì KM94; trên các vùng đất trồng mì bị bệnh vụ qua nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác nhằm mục đích vừa cải tạo đất, vừa hạn chế mầm bệnh từ vụ trước chuyển sang. Trong điều kiện không thể chuyển đổi cây trồng khác, cần phải cày lật đất, gom cây mì tàn dư thực vật đốt tiêu hủy. Không được lấy hom giống từ các vườn đã bị bệnh từ vụ trước để làm giống cho vụ sau, đặc biệt là chú ý phòng trừ các loại côn trùng chích hút, đối tượng được cho là có khả năng mang mầm bệnh truyền bệnh chổi rồng trên cây khoai mì. Ngoài ra, cần trồng xen canh các cây họ đậu, tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất, nâng cao sức đề kháng cho cây mì.
Cũng theo ông Sơn, trong kế hoạch sắp tới, Chi cục TT&BVTV sẽ xây dựng các mô hình trình diễn trên các giống mì KM140, KM937-26, đây là giống mì cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao, ít mẫn cảm với bệnh chổi rồng. Hơn nữa, việc xây dựng mô hình cũng nhằm mục đích hướng dẫn người trồng mì kỹ thuật chăm sóc tổng hợp mang lại hiệu quả cao. |