Măng tây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng lại rất khó trồng. Thế nhưng, chị Lương Thị Cẩm - một người dân tại xã Long Mỹ đã mạnh dạn đầu tư trồng măng tây và đã thành công với loại cây trồng này.
Mô hình trồng măng tây đầu tiên của gia đình chị Lương Thị Cẩm đã và đang sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng của địa phương và đã cung cấp sản phẩm ra thị trường. Mô hình trồng măng tây của chị Cẩm còn mở ra hướng canh tác mới để người dân có thêm sự lựa chọn áp dụng vào sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập kinh tế hộ.
Qua tìm hiểu, tham quan thực tế ở nhiều địa phương khác nhau, từ tháng 6 năm ngoái, chị Lương Thị Cẩm đã đầu tư khoảng 600m2 đất trồng cây măng tây. Để đảm bảo cho việc trồng măng tây mang lại hiệu quả, chị Cẩm đã chuẩn bị khá kỹ các khâu, từ làm giàn chống chịu gió, làm trụ đỡ cho cây, đến kỹ càng trong khâu làm đất, sử dụng nguồn nước tưới, lựa chọn cây giống... Với tổng chi phí ban đầu thực hiện mô hình gần 60 triệu đồng. Đến nay, với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm vào trồng, chăm sóc, khoảng 2.000 cây măng tây của gia đình chị Cẩm đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong quá trình trồng, chị Cẩm đúc kết một số kinh nghiệm như: măng tây là loại cây tương đối dễ trồng, thích hợp với vùng đất cát pha, thời gian trồng khoảng 4 tháng là cây bắt đầu cho măng non; trong 1 năm, măng tây cho thu hoạch liên tiếp trong 10 tháng, sản lượng sẽ tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây khá cao, tùy theo khả năng chăm sóc.
Tại thời điểm này, mỗi ngày, gia đình chị Cẩm thu hái được từ 3 đến 4 kg măng non, giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg. Ứơc sau mỗi vụ thu hoạch, cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Và tín hiệu đáng mừng hơn nữa là măng tây hiện đang có đầu ra ổn định.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng măng tây mang lại, chị Lương Thị Cẩm còn mua hạt giống về ươm, nhân thử và bước đầu đã thành công với việc nhân giống cây măng tây. Từ nguồn giống gieo ươm thành công, hiện nay chị Cẩm đã cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây cho 1 số hộ ở địa phương. Bước đầu các hộ được chuyển giao cũng đang thành công với mô hình trồng măng tây của mình.
Với những hiệu quả kinh tế thiết thực loại cây trồng này mang lại, ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực vận động các hộ dân mạnh dạn áp dụng vào sản xuất trên diện rộng để từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung- nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mạnh dạn và tiên phong đi đầu trong việc áp dụng thành công giống cây trồng mới trên vùng đất cát khô cằn, mô hình trồng cây măng tây của gia đình Lương Thị Cẩm bước đầu đã nâng cao nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và đang khẳng định giá trị kinh tế của loại cây trồng này mang lại. Thành công của mô hình cũng đồng nghĩa với việc trong tương lai gần, cây măng tây sẽ là giống cây trồng chủ lực, thay thế những cây trồng kém hiệu quả, đem lại diện mạo và sức sống mới tại địa phương Long Mỹ.