Những năm gần đây, mô hình trồng dừa xiêm được xem là mô hình lý tưởng cho những vùng đất cát pha, đất nhiễm mặn khó trồng cây ăn trái khác. Khi cho trái, cây dừa xiêm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng lại đầu tư ít và không cần phải tốn nhiều công chăm sóc.
Dừa xiêm hiện nay có nhiều loại giống, nhưng đều có đặc điểm chung là thời gian cho trái nhanh. Từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch trái chỉ từ 2 năm rưỡi đến 3 năm. Mỗi một hecta đất có thể trồng từ 300-400 cây dừa. Khi thu hoạch mỗi cây cho khoảng 200 - 250 trái/năm, giá bán từ 8 - 10 ngàn đồng/trái, thu về khoảng 260 triệu đồng/hecta. Ngoài ra, người trồng còn có có thể tận dụng đất trồng để xen canh nuôi thêm gà, vịt để tăng thu nhập.
Và ở xã Long Mỹ, hộ gia đình anh Nguyễn Hữu An, thuộc ấp Mỹ Hoà đã thành công từ mô hình trồng dừa này.
Là gia đình nông dân chính hiệu, cũng đã từng trồng đủ loại cây trồng như mãng cầu, nhãn, xoài trên diện tích đất hiện có của gia đình hàng chục năm qua, nhưng kết luận lại là không mang lại hiệu quả kinh tế.
Loay hoay với bài toán nên tiếp tục trồng loại cây gì, thì trong một lần đi thăm bà con ở tỉnh Bến Tre, thấy cây dừa ở vùng đất này phát triển và có đặc điểm phù hợp với loại đất mình đang canh tác, thế là, ông Nguyễn Hữu An bắt đầu tính chuyện thay thế cây trồng. Năm 2014, quyên góp đủ số vốn dự tính mua dừa giống, ông An lặn lội tại các vựa cung cấp dừa giống ở các tỉnh miền Tây mua về trồng khoảng 400 gốc dừa trên diện tích đất hơn 1 hecta của gia đình. Bằng sự cần cù chịu khó của người nông dân, ngày đêm chăm sóc vườn dừa của mình, sau hơn 2 năm, tức là khoảng giữa năm 2017, vườn dừa đã bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm đó, theo tính toán của ông An, mỗi cây dừa cho thu hoạch 1 quầy/tháng, mỗi buồng cho từ 8-10 trái, với giá khoảng 6 ngàn/trái, đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập khá ổn định, đặc biệt là dừa chặt đến đâu, thương lái thu mua đến đó.
Cũng theo ông An, trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc và phù hợp với người lớn tuổi, cứ khoảng 3 tháng bón phân hữu cơ, hợp chất một lần. Dừa cũng ít sâu bệnh hại, chỉ có bị sâu đuông ăn đọt, làm chết cây, nhưng nếu thường xuyên theo dõi và điều trị bằng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không có tình trạng này.
Điều quan trọng nhất khi trồng để cây dừa cho trái đều đặn chính là đảm bảo các khâu: chọn cây giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, trong quá trình trồng phải luôn cung cấp đủ nguồn nước cho cây sinh trưởng.
Hiện nay vườn dừa xiêm của gia đình ông An đã cho trái quanh năm, trung bình 1 tháng mỗi cây cho thu hoạch 2 quầy, từ 12 trái đến hơn 20 trái. Từ hiệu quả kinh tế từ vườn dừa mang lại, ông An đang xuống thêm khoảng 100 gốc dừa và dự tính sẽ hướng đến ươm giống, để tiếp tục nhân rộng diện tích còn lại và hướng tới cung cấp giống, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho người dân địa phương khi có nhu cầu.
Nhu cầu tiêu thụ dừa ngày càng cao, trong khi diện tích trồng dừa trên địa bàn toàn huyện vẫn chưa nhiều, nên dừa trở thành giống cây trồng cho thu nhập ổn định và mang tính bền vững hơn các loại cây trồng khác. Là thức uống mát và sạch, nước dừa đang được tiêu thụ với nhu cầu rất cao. Với giá mua bán tại vườn từ 8-10 ngàn đồng/trái, bước đầu loại cây trồng này đã giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định./.