Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng... Vì vậy tốt nhất hãy phòng bệnh sởi cho trẻ trước khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện… lây gián tiếp ít gặp vì vi-rút sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể xảy ra: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng, những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má, người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, dính chùm vào nhau.
Việc điều trị bệnh sởi chủ yếu là chăm sóc và nuôi dưỡng, mục đích phòng bội nhiễm và biến chứng. Những việc cần phải lưu ý khi chăm bé bị sởi: Khi trẻ bị sốt nhiều do sởi, thì phải có trẻ ăn thức ăn lỏng - loãng, dễ tiêu sau khi trẻ giảm sốt mới cho trẻ ăn thức ăn như bình thường; cho trẻ súc miệng bằng nước muối để đảm bảo vệ sinh răng miệng và sát khuẩn; không nên nhốt trẻ trong phòng tối và kín gió, tốt nhất nên để trẻ ở phòng sáng và thoáng; thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ ít nhất 2 lần/ngày, nhất là khi trẻ sốt cao vào ngày thứ 4-5 thì nên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ từ 4-6 lần/ngày; cho trẻ uống nhiều nước để trẻ không bị mất nước, nhất là với trẻ sốt cao thì nhu cầu nước càng cần thiết hơn; khi trẻ sốt cao thì lau bằng nước ấm để hạ nhiệt cho trẻ, nếu sốt quá 38,5oC thì cho trẻ uống thuốc để giảm sốt; hãy giữ trẻ trong phòng, không cho trẻ ra ngoài vì lúc bị sởi trẻ sợ ánh nắng cho nên ở trong phòng vẫn làm trẻ thoải mái hơn; kiêng đưa trẻ ra gió.
Tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất. Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ 2 mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A, đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân – những người sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Được biết, trong năm 2018, toàn huyện có 1.067 trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin, gồm sởi, lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não, bại liệt, đạt 89%, tỷ lệ này chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra.
Vì vậy trong thời gian tới, ngoài các biện pháp phòng bệnh cho trẻ của các ngành chức năng, các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Sau khi tiêm chủng cần chú ý theo dõi chăm sóc trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.