Trào lưu nuôi Kuman Thong, một loại bùa ngải của Thái Lan đã trở nên quen thuộc từ khá lâu và dịp gần đây nó lại bùng dậy một lần nữa bởi nhiều sự cố liên quan. Có thực sự tồn tại nhiều phép thuật và điều bí ẩn lạ lùng đằng sau loại bùa “búp bê” này, hay chỉ là sự đồn thổi và tưởng tượng của người đời.
Kuman Thong xuất hiện ở Việt Nam đã hàng chục năm về trước. Tuy nhiên, thời điểm ấy, những người biết đến Kuman Thong là rất ít. Và việc nuôi bùa Kuman Thong cũng diễn ra một cách lét lút chứ không công khai như bây giờ. Cách đây tầm vài năm, với cơn sốt du lịch Thái Lan, tiêu dùng Thái Lan…, Kuman Thong đã chính thức du nhập vào Việt Nam và được đồn thổi về sức mạnh của nó. Về hình thức, Kuman Thong có hình dạng như những con búp bê với nhiều kích cỡ. Có điều, vẻ xinh xắn của Kuman Thong không biết do chủ ý của người chế tạo hay thế nào, nhưng luôn mang nét khá “âm u” trên gương mặt với đôi mắt đen thẳm bí ẩn chứ không đáng yêu như búp bê thông thường.
Không giống các loại bùa ngải khác, Kuman Thong là bùa chú “sống”, được nuôi dưỡng một cách rất đặc biệt: Người nuôi phải coi Kuman Thong như con, chăm sóc, nuôi nấng, cho ăn uống và dẫn đi chơi. Mỗi ngày, Kuman Thong được cho uống sữa hoặc nước ngọt thông qua một cái ống hút. Được thay quần áo đẹp, để lên kệ kín, sạch sẽ cho “ngủ”. Lúc đi chơi cũng cần dắt đi theo “hóng gió”. Ngoài ra, nuôi Kuman Thong không được nặng lời, nếu bị “quấy phá” thì chỉ quở trách nhẹ nhàng. Khi không nuôi nữa, không được vứt đi mà phải đem lên chùa. Tương truyền, Kuman Thong đem lại rất nhiều lợi lộc như mong cầu của người nuôi nó: Mọi việc hanh thông thuận lợi, cầu tình duyên được tình duyên, cầu tiền bạc, tiền bạc vào đầy nhà…
Trinh Mizi, một cô gái bán quần áo online trên mạng xã hội vẫn thường live stream bán hàng cùng với búp bê Kuman Thong mà cô đặt tên là Tini. Theo Mizi, từ ngày nuôi Tini, cô may mắn thấy rõ: Hàng nhập về lô nào nhanh chóng hết lô đó, rồi tìm được bạn trai và chiều chuộng hết mực. Chỉ trong vòng 1 năm, Mizi đã mua được căn hộ chung cư… Vừa nói, chốc chốc cô lại quay sang cưng nựng búp bê, xưng là “mẹ, con” như thật. Đáng ngạc nhiên là, hàng trăm bạn trẻ khác cũng vào tung hô quyền lực của Kuman Thong.
Không biết câu chuyện ấy có thật hay bịa đặt, hay chỉ là may mắn tình cờ. Nhưng một đồn mười, mười đồn trăm cũng đủ để Kuman Thong nhanh chóng trở thành một vật linh có thể giúp nhiều người trẻ đổi đời. Người nuôi còn phân ra Kuman Thong trắng và Kuman Thong đen. Người ta quan niệm, Kuman Thong trắng là búp bê “lành”, pháp lực không quá mạnh nhưng ngoài việc thi thoảng quấy phá sơ sơ chứ không mang lại ác hại cho người nuôi. Ngược lại, Kuman Thong đen sở hữu pháp lực cao cường, người nuôi muốn gì được nấy, nhưng nếu người nuôi không đủ mạnh, lâu dần sẽ bị Kuman Thong chiếm lấy linh hồn và điều khiển ngược lại để làm việc ác… Những câu chuyện đồn thổi quanh Kuman Thong còn rất nhiều, trong đó có cả những chuyện cực kì rùng rợn do bị Kuman Thong khống chế. Thế nhưng, tất cả đều không khiến các bạn trẻ cưỡng lại sức hút của một loại bùa ngoài có vẻ ngoài đẹp đẽ, có thể giúp mình đổi đời.
Hiện nay, trên thị trường, Kuman Thong có vô vàn giá bán, từ vài trăm ngàn cho một “em” nhỏ bằng lòng bàn tay cho đến hàng chục triệu cho một búp bê to bằng bé sơ sinh. Và người bán thì bao giờ cũng thổi phồng tác dụng của Kuman Thong lên rất nhiều, đặc biệt là tự khoe về chính sự may mắn tốt đẹp của bản thân mình làm bằng chứng để quảng cáo.
Tuy nhiên, trên thực tế, các Kuman Thong đang bán trên thị trường, chưa nói đến có phép thuật hay không, nhưng riêng chuyện có thực là Kuman Thong hay chỉ là búp bê thông thường rao bán dưới danh nghĩa Kuman Thong thì không ai biết. Ngoài ra, chiêu bán hàng quen thuộc của những người bán là tạo ra những nick giả vào tung hô công dụng của Kuman Thong nhằm lôi kéo khách hàng. Một người bán Kuman Thong tiết lộ, chị này lấy hàng từ phía bạn hàng Thái Lan và được đảm bảo “hàng đã yểm bùa”, còn thực tế có hay không thì không biết. Chỉ biết, về Việt Nam bán với giá gấp 3, 4 lần.
Kuman Thong, tiếng Thái có nghĩa là “đứa bé vàng”, dùng để gọi một loại thần giám hộ trong tín ngưỡng dân gian Thái. Từ thời cổ xưa Thái Lan, Kuman Thong đã bị coi là một loại “phép thuật tà đạo”. Kuman Thong được đồn thổi là đem lại cho người giữ nó tiền bạc, danh vọng, may mắn. Thế nên, với những người biết đến sự tồn tại của loại bùa này. Quan niệm ấy đã đem đến không biết bao nhiêu bi kịch chung quanh sự chế tạo Kuman Thong: Không ít các vụ án tại Thái Lan và quốc tế về những người đàn ông sát hại vợ mang thai nhằm lấy con trong bụng tạo Kuman Thong, cha mẹ hy sinh thai nhi nhằm tạo bùa búp bê mong cầu cuộc sống tốt đẹp hơn…
Kuman Thong có thật mang năng lực siêu nhiên, mang phép thuật để đáp ứng mong muốn cho chủ nhân nó, hoặc có thể khiến họ bị “nhập”, bị điều khiển và phản phệ. Hay đó chỉ là những trùng hợp tình cờ hoặc “tự kỉ ám thị” của người nuôi? Không ai thực sự biết, cũng chưa có người nào có đủ uy tín để đứng ra chứng minh điều này. Nhưng, chỉ tính về cách thức chế tạo ra Kuman Thong, đã thấy rằng đó là một sản phẩm chứa đựng sự tàn bạo và tham lam. Đó là còn chưa kể đến mục đích của việc nuôi Kuman Thong chính là để thỏa mãn dục vọng của mình. Nuôi một thứ “phi tự nhiên” chỉ vì mong cầu, ham muốn có được mọi thứ một cách dễ dàng. Và đương nhiên coi đó là chuyện hay ho, vui vẻ, trào lưu. Phải chăng, đó là một kiểu “biến thái” về mặt tâm lý của một bộ phận cuồng tín. Sẽ như thế nào nếu người ta chỉ chăm chăm tìm kiếm những vật linh tìm may mắn, nhằm đi đường tắt đến với thành công mà không cần nỗ lực tự thân. Thế thì, Kuman Thong phải chăng chính là một hiện thân của sự nhẫn tâm và tham vọng của con người. Sự trỗi dậy của trào lưu này cũng đồng thời đem đến một lời cảnh tỉnh: Xin đừng để lương tri bị “nuốt chửng” bởi tham vọng bất chấp, bởi đánh mất thiện tâm.
Thực hư về năng lực siêu nhiên của búp bê Kumanthong chưa ai có thể kiểm chứng. Và việc chế tạo ra một Kumanthong theo cách truyền thống cũng đã bị cấm tại đất nước Chùa Vàng. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được giao bán đại trà, tràn lan. Không nên bỏ ra một số tiền lớn để mua về những thứ không chắc đã có lợi cho mình. Làm vậy chẳng khác nào tự biến mình thành con mồi béo bở để người khác lợi dụng và kinh doanh phi pháp.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nêu rõ việc hành nghề mê tín dị đoan trong đó có cả việc kinh doanh "bùa ngải" là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, hậu quả mà đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để ngăn chặn hành vi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi bất chính, cơ quan chức năng cần sớm có các quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, đặc biệt là chế tài xử lý đối với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, để tránh "tiền mất, tật mang", mỗi cá nhân cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời đồn thổi mất tiền mua "bùa ngải", kẻo lợi đâu chẳng thấy lại rước họa vào mình". Tín ngưỡng thì chủ chương là không có ngăn cấm, nhưng với tín ngưỡng không đem lại lợi ích mà còn gây ra điều xấu, ảnh hưởng tiêu cực thì phải lên án, có biện pháp ngăn ngừa".