Những năm gần đây, mạng xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến các lĩnh vực đời sống xã hội; với tính năng cho phép, người dùng đã kết nối, tiếp cận, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, năm 2018, lực lượng công an cả nước phát hiện gần 285 trang mạng, tài khoản facebook và kênh youtube thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước; trung bình mỗi tháng đăng tải khoảng 17.000 bài viết, video clip chống phá Đảng.
Đáng lưu ý, hoạt động tuyên truyền chống phá được chuẩn bị kỹ lưỡng, được tổ chức thành chiến dịch và lợi dụng vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, nhạy cảm, với phương thức dẫn nguồn báo chí công khai có sự cắt xén, thêm bớt thông tin thật, giả để tạo niềm tin cho người xem nhằm tác động chuyển hóa tư tưởng, kêu gọi biểu tình.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng phản động còn thành lập nhóm trên các trang mạng xã hội để liên lạc, tuyển lựa, huấn luyện, tập hợp lực lượng để thực hiện hoạt động chống phá.
Dự báo thời gian tới, các đối tượng phản động sẽ tiếp tục lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, thúc đẩy âm mưu diễn biến hòa bình, lật đổ chế độ. Từ tình hình trên đòi hỏi các ban, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo khai thác những mặt tích cực của không gian mạng trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao ý thức bảo mật không để lộ, lọt bí mật nhà nước; chú trọng sử dụng internet, mạng xã hội làm phương tiện đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch bằng những việc làm, hành động cụ thể trong từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thường xuyên theo dõi, phát hiện xử lý, phản bác kịp thời các thông tin sai lệch, thù địch trên không gian mạng, không để các đối tượng xấu tác động đến Nhân dân; đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp quản lý thông tin, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.