.Hiện, xã Long Mỹ có hơn 950 hộ sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về thổ nhưỡng, nhiều nông dân nơi đây đã tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, trong đó có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, cùng vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Hữu An, ấp Mỹ Hòa trồng vườn tạp, thu nhập không cao. Năm 2014, ông chọn cây dừa xiêm - một loại cây ở quê hương Bến Tre của ông để trồng tại Đất Đỏ. Nhờ kiến thức, kinh nghiệm sẵn có và sự hỗ trợ của địa phương thông qua các lớp tập huấn, gần 500 gốc dừa trên diện tích 1ha đã phát triển tốt. Hiện nay, vườn dừa của gia đình chủ yếu cung cấp cho thương lái đưa đi phân phối ở các tỉnh, thành trong nước. Với giá bán khoảng 9.000 đồng/trái, mỗi năm gia đình ông thu lợi 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình khấm khá hơn trước. Ông cho biết, để có thêm dừa cung cấp cho thị trường, ông đã trồng thêm 100 gốc dừa mới, dự kiến khoảng 1-2 năm nữa số dừa này sẽ cho thu hoạch.
Còn ông Nguyễn Duy Thanh, ấp Mỹ Hòa lại chọn cây nhãn xuồng cơm vàng để phát triển kinh tế gia đình. Khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, ông được địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc cây nhãn. Nhờ đó, vườn nhãn của gia đình ông phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. ông Thanh co biết: “Vụ vừa rồi, 500m2/1ha vườn nhãn đã cho khoảng 1,6 tấn trái. Với giá bán trung bình 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng xen canh đậu phộng để tăng thu nhập. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn hơn”.
Một mô hình khác cũng đang cho hiệu quả là cây măng tây. Chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa cho biết, cách đây hơn 2 năm, sau khi được tham quan mô hình trồng măng tây tại tỉnh Ninh Thuận, chị đã chuyển diện tích trồng rau xanh sang trồng măng tây. Được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 900 cây giống, chị mua thêm 2.000 cây trồng trên diện tích 500m2. Hiện nay, mỗi năm, gia đình chị thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ mô hình này. So với trồng các loại rau như dền, cải, muống thì măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Ông Huỳnh Thanh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ cho biết, nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều hội viên nông dân của xã đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn. Thời gian tới, xã sẽ từng bước vận động nông dân chuyển đổi các mô hình kém hiệu quả sang trồng măng tây, nhãn xuồng cơm vàng, hay một số mô hình mà đã đem lại hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt, sẽ hình thành vùng chuyên canh măng tây nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn./.