Xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ là xã vùng nông thôn nghèo nhất huyện Đất Đỏ nhưng nổi tiếng trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tên gọi hay được nhắc đến là cái nôi cách mạng của tỉnh, người dân bám đất, bám làng, nuôi dấu nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ chiến tranh.
Kết thúc chiến tranh, người dân Long Mỹ tập trung phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, địa phương đã đề xuất các cấp tỉnh, huyện đầu tư cho xã Long Mỹ nhiều mô hình, dự án nông nghiệp, trong đó có mô hình trồng rau trong nhà lưới, người đầu tiên tham gia mô hình này đó là chị Lương Thị Cẩm, tổ 8, ấp Mỹ Hòa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, chị ý thức được rằng mình phải cố gắng lao động, làm việc cần cù thì mới vượt qua nghèo khó. Từ đó, chị mạnh dạn thực hiện mô hình, được huyện hỗ trợ lưới, trụ xi măng, với tinh thần ham học hỏi, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị cùng chồng hàng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trồng rau trên mảnh đất của cha mẹ với các loại rau như cải các loại, bầu, bí... Bên cạnh việc trồng rau, chị phải chạy lo đầu ra để tiêu thụ sản phẩm của mình. Một ngày lao động của chị từ 4 giờ sáng đến 09 giờ đêm. Khi đã dành dụm được chút vốn liếng chị cùng chồng mình đầu tư nuôi thêm dê. Siêng năng, chí thú làm ăn cùng với tinh thần ham học hỏi, chị thường tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, các buổi tham quan mô hình hay, hiệu quả do các cấp tổ chức, áp dụng vào việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình, đàn dê của chị ban đầu từ 03 con đã tăng lên 30 con. Trong quá trình lao động, chị tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người cùng nghề, tham quan, học hỏi các mô hình mới, cách làm mới, hiệu quả để áp dụng trên mảnh đất của mình đồng thời hướng dẫn cho các chị xung quanh cùng thực hiện để cùng vươn lên thoát nghèo. Đến nay chị đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang, chăm lo cho 02 con học hành đến nơi, đến chốn, đồng thời cũng tích cực tham gia hoạt động công tác Hội, là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau tại xã Long Mỹ.
Đầu năm 2018, sau khi nghe nói về mô hình trồng măng tây, lại được huyện Đất Đỏ quan tâm tạo điều kiện cho chị tham quan mô hình trồng măng tây tại tỉnh Ninh Thuận, chị nhận thấy mô hình này sẽ hiệu quả, đầy tiềm năng, xã Long Mỹ chưa có ai đầu tư, chị đã mạnh dạn đặt mua cây giống về trồng với diện tích 1000m2. Đồng thời chia sẽ những gì học hỏi được và một phần cây giống cho 01 chị cùng tham gia, đến nay mô hình của chị đang cho thu hoạch khoản 5-6kg/ngày với giá bán sỉ 80.000đ/kg. Hiện nay, mô hình trồng măng tây của chị đang là điểm để các chị trồng rau trong Tổ hợp tác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Chị đang tiếp tục đầu mua hạt giống tự ươm cây giống để mở rộng diện tích cây măng tây.
“Nếu chị nào có nhu cầu trồng măng tây, phát triển kinh tế, chị sẽ cung cấp cây giống với giá cả rẻ hơn cây giống mua từ Ninh Thuận từ 3000đ-4000đ để giúp đở chị em phát triển kinh tế, trên mảnh đất của chính mình”, đó là lời chia sẽ chân thành của chị Cẩm trong việc hỗ trợ, giúp đở chị em phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Vì hiện nay, cây măng tây đã được 01 Công ty về rau sạch tại địa phương đang có hướng hỗ trợ hạt giống và bao tiêu sản phẩm cho những hộ tham gia mô hình.
Là hội viên siêng năng chịu khó làm ăn, tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN phát động. Hy vọng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương như thế trên quê hương thuần nông Long Mỹ để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thay đổi diện mạo làng quê và xây dựng thành công xã nông thôn mới./.