Hàng năm, cứ đến ngày 27-7, cán bộ, chiến sĩ và
nhân dân cả nước ta luôn dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ,
biết ơn những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp
giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để cho mỗi chúng ta có được cuộc
sống thanh bình và hạnh phúc ngày hôm nay.
Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ
(27/7/1947– 7/7/2010), chúng ta ôn lại sự ra đời của Ngày Thương binh-Liệt sĩ
27/7, để tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất của
dân tộc ta, cũng như sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự
quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng Thương binh Liệt sĩ và
người có công với Cách mạng từ trước đến nay.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì
thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách
mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn
đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong
cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh
viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và
các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng
chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát,
nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính
bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “ Hãy
sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các
gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
Chiều ngày 28-5- 1946, Hội “Giúp binh
sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội
và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11-7-1946, tại Nhà hát này đã có một buổi
quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “
mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh
sĩ. Ngày 19-12-1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều
vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều
khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định
nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo
đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của
cuộc kháng chiến. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu
quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và
một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực
hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công
tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày
27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Ngày 27-7-1947, một cuộc mít tinh
quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây
Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ Tịch. Người đã gửi tặng một chiếc
áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm
1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ
Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ.
Tháng 7- 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Đảng và Nhà nước ta càng
đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác
thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27-7 ngày Thương binh được đổi thành ngày
Thương binh-Liệt sĩ.
Bình Định là một trong những chiến trường ác liệt
qua hai cuộc kháng chiến; do đó Bình Định là một trong những tỉnh trong cả nước
có số lượng thương binh, liệt sĩ khá lớn; Trong những năm qua, cùng với sự quan
tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Lao động Thương binh xã hội tỉnh Bình Định đã
triển khai thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa; công tác giải quyết chế độ
chính sách cho các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng
người có công.
Cùng với Đảng và Nhà nước, trong những năm qua các
cấp Công đoàn trong tỉnh Bình Định cũng đã phát động sâu rộng trong công nhân
viên chức, lao động thực hiện tốt phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Phụng dưỡng Bà
Mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp
kinh phí hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho
các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công, thể hiện tinh thần đạo lý
“Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam./.