Luôn nhắc nhở và để mắt đến trẻ để phòng đuối nước
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước ở trẻ
Vì vậy, khi cho trẻ đi tắm biển, ao, hồ, sông cần lưu ý như sau:
- Hãy luôn cho trẻ mặc áo phao/phao.
- Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước
- Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15m.
- Không nên để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
- Không nên tắm vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.
- Nên thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với.
Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển…
- Tắm biển cần chỉ cho trẻ tắm tại các bãi biển có đội cứu hộ và tắm trong khu vực bơi được chỉ định.
Trẻ không được tắm nếu mắc bệnh: Viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, viêm tai giữa, viêm thận, các bệnh tim mạch...
Ngoài ra, cần cho trẻ lập tức lên bờ nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối có dấu hiệu bị trướng bụng…
Cha mẹ hãy nhắc trẻ: Tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.
1. Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích mùa mưa bão
Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh dịch và các tai nạn rủi ro. Nếu chủ quan, không biết các kỹ năng phòng tránh thì nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và gia đình, dưới đây là một số kỹ năng giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích hay gặp trong mưa lũ.
2. Sét đánh mùa mưa bão
Hiện đang vào mùa mưa giông vì vậy hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra rất dễ gây nguy hiểm cho con người. Người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức. Ở những người khác có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể mất ý thức trong thời gian khác nhau. Họ có vẻ lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra...
Xử trí sét đánh tại nhà hoặc hiện trường là cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Đối với những vị trí bỏng khô, phải để yên, không sờ mó, không bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng. Sau khi đã thực hiện sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Để phòng chống sét hiệu quả: Khi thấy chuyển mưa dông, những người làm việc ngoài trời cần nhanh chóng về nhà hoặc vào trú ẩn ở các lán trại. Nếu không sơ tán kịp thì phải tránh xa các vật dụng kim loại như: cày bừa, cuốc xẻng, máy bơm nước, xe máy, xe đạp... Đặc biệt lưu ý không tránh mưa dưới các gốc cây to, nhất là những cây cao đơn độc trong vùng trống trải. Bởi khi tia sét bắt vào cây, dòng điện mạnh có thể truyền sang bất cứ một vật nào dẫn điện hoặc truyền xuống gốc cây tỏa ra trên mặt đất gây tai nạn cho những người trú ẩn dưới gốc cây.
3. Ngạt nước
Trong mùa mưa bão, nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Nếu nạn nhân mới bị uống nước và hít nước vào đường thở, sẽ hoảng loạn, vùng vẫy nhiều ở trên và dưới mặt nước.
Khi được cứu vớt lên bờ: Nạn nhân có thể chưa có biểu hiện gì hoặc hốt hoảng, sợ hãi, tim đập nhanh, thở nhanh, hạ thân nhiệt.
Cách xử trí: Cấp cứu ngay dưới nước : Đỡ đầu nạn nhân nhô lên mặt nước và bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ. Có thể tát mạnh vào hai má 2 - 3 cái để gây phản xạ thở lại. Ủ ấm, xoa các loại dầu nóng. Theo dõi nếu nặng lên thì chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, khi chuyển, cần theo dõi nhịp thở và nhịp tim.
Nếu được phát hiện và cứu vớt muộn: Nạn nhân đã bị uống và hít nhiều nước vào đường thở, nên thiếu ôxy nặng. Thường dãy dụa dưới mặt nước, sủi bọt lên mặt nước. Khi được cứu vớt lên bờ có các biểu hiện hoảng loạn, vật vã, thở nhanh, nông, miệng trào bọt hồng, toàn thân lạnh, da nhợt nhạt, tím, tim đập nhanh, yếu hoặc đập chậm, mạch nảy yếu khó bắt.
Cách xử trí: Để nằm sấp nghiêng đầu, ấn đẩy mạnh hai tay vào vùng thượng vị hoặc dốc ngược nhanh nạn nhân lên, nhưng không kéo dài quá 1 phút. Lau mũi, miệng, họng. Nếu nạn nhân thở yếu thì thổi ngạt miệng - miệng. Thay quần áo ướt bằng quần áo khô hoặc bọc phủ bằng khăn khô. Sau đó ủ ấm cho nạn nhân, xoa các loại dầu nóng sau đó chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất, trên đường vận chuyển phải tiếp tục hồi sức hô hấp (nếu cần) và theo dõi nhịp tim. Tuyệt đối không chữa theo mách bảo, kinh nghiệm.
Để phòng chống đuối nước người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, nước chảy xiết. Nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết); tại những vùng nguy hiểm phải có biển báo hoặc cử người túc trực để báo cho người dân biết các đoạn nguy hiểm.
4. Điện giật
Hệ thống điện ở một số nơi chằng chịt, mất an toàn, dễ bị đứt do gió lớn nên mưa bão dễ bị tai nạn này. Vì vậy, nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần xử trí như sau: Cần nhanh cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát. Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại. Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tai nạn điện giật: Người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực mình sinh sống; nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sửa chữa kịp thời. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện... ở nơi khô ráo, tiện sử dụng, cách sàn nhà 1,4m để tránh xa tầm tay trẻ em. Không cắm thẳng dây điện vào ổ điện mà phải dùng phích cắm. Không đứng nơi ẩm ướt để đóng cắt điện. Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người. Các thiết bị điện bị ngấm nước phải sấy khô mới được sử dụng.
5. Sơ cấp cứu gãy xương
Gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân. Vì vậy khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, người sơ cứu nên bình tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh. Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; cố định đúng kỹ thuật, bất động được các khớp trên và dưới chỗ gãy một khớp); dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da). Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.