Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh:
Luật gồm 8 chương với 47 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) ; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Theo quy định của Luật, công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức quốc phòng và an ninh. Người tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh được hưởng chế độ, chính sách the quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm các hành vi: Lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tiết lộ bí mật nhà nước; Tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
GDQPAN trong trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi.
GDQPAN trong trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là môn học chính khóa.
Việc bồi dưỡng kiến thức QPAN được áp dụng đối với các đối tượng trong cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (không phải người nước ngoài); Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Các đối tượng trong cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức QPAN được hưởng nguyên lương, phụ cấp; trường hợp xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức QPAN được hưởng nguyên lương, phụ cấp; hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm. Chi phí bồi dưỡng kiến thức QPAN, nơi nghỉ cho đối tượng ở xa nơi cư trú do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đối với người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước mà doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư khi bồi dưỡng kiến thức QPAN xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Người hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QPAN được cấp giấy chứng nhận.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Luật Phòng, chống khủng bố:
Luật gồm 8 chương với 51 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.
Tại Điều 12 của Luật quy định, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Bộ Công an là cơ quan thường trực của BCĐ phòng, chống khủng bố quốc gia. UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh. Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của BCĐ phòng, chống khủng bố cấp tỉnh.
Lực lượng chống khủng bố bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chống khủng bố; các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố.
Khi xẩy ra khủng bố, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được huy động lực lượng, phương tiện để chống khủng bố. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được huy động phải có nhiệm vụ chấp hành. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản khi xẩy ra khủng bố được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Phòng, ngừa khủng bố được thực hiện bằng các biện pháp: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố; Quản lý hành chính về an ninh trật tự; Kiểm soát hoạt động giao thông vận tải; Kiểm soát hoạt động giao dịc tiền, tài sản; Kiểm soát phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; Kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông và các hình thức thông tin khác; Kiểm soát hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống khủng bố….
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.