Trong 04 năm qua (2009-2012), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Đảng uỷ, Thường trực HĐND và UBND xã Long Phước; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ Xã BRVT; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Sau đây là một số kết quả đạt được:
A. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỪ NĂM 2009-2012:
I. Hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức về khoa học và công nghệ:
1. Tình hình triển khai thực hiện, công tác chỉ đạo điều hành trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại địa phương:
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính được UBND xã thực hiện một cách triệt để. Hàng tháng, UBND xã tổ chức họp giao ban định kỳ để theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện và triển khai một số việc liên quan đến công tác cải cách hành chính. Thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ công dân, tổ chức; kiểm tra thực hiện nội quy làm việc; quy tắc ứng xử theo Quyết định số 03/2007/QĐ- BNV của Bộ Nội vụ đến cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, công dân.
Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế- VHXH tại địa phương, do đó, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo việc áp dụng khoa học công nghệ vào thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Đầu năm, UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính và quán triệt những nội dung liên quan để triển khai đến cán bộ, công chức đưa vào thực hiện, nhờ vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính.
2. Tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất
Từ năm 2010, xã Long Phước được Sở Khoa Học - Công Nghệ xã trang bị trạm thông tin điện tử. Đây là tiền đề để tạo điều kiện cho công dân tìm hiểu thông tin khoa học để áp dụng trong sản xuất, kinh doanh. Qua 02 năm đi vào hoạt động đã thu hút 159 lượt công dân đến tìm kiếm thông tin áp dụng vào kinh đoanh, sản xuất. Công tác thông tin KH&CN được đa dạnh hoá về nội dung và hình thức. từ năm 2010 đến nay, đã đăng tải trên 75 tin bài và hình ảnh về hoạt động KH&CN trên Website của xã theo các nội dung về các lĩnh vực Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, các mô hình cách làm kinh tế giỏi.
Ngoài việc cung cấp thiết bị phần cứng, hệ thống mạng nội bộ, đã cung cấp cho xã phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu số hóa về thông tin khoa học và công nghệ (dạng thư viện điện tử về KH&CN) được chuyển giao từ Trung tâm Tin học Xã, giúp cho người dân tiếp cận nhanh chóng các thành tựu về KH&CN vào sản xuất.
II. Đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực đời sống:
1. Lĩnh vực Nông nghiệp nông thôn
Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã mang lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2010 Ban nông nghiệp xã kết hợp các ngành chức năng Thị xã tổ chức khảo nghiệm và áp dụng sản xuất nhiều giống lúa, ngô mới có triển vọng, kết quả đã xác định được một số giống đáp ứng được yêu cầu về năng suất, chất lượng và thời gian sinh trưởng phù hợp như: OM4900, OM4218, OM3774, OM2514; giống ngô: TBM45, TBM502, TBM1701.... Tiếp tục nghiên cứu khảo nghiệm và tuyển chọn giống cây màu mới gồm khoai lang, khoai từ, đậu phộng để bổ sung vào cơ cấu giống cây màu của xã. Áp dụng khoa học kỷ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại ấp Phước Hữu diện tích 37ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Đã áp dụng mô hình vườn, ao ,chuồn tại ấp Đông và ấp Phong Phú, diện tích 8ha.
2. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ:
Bước đầu đã tập trung nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất, gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Bảo vệ môi trường
Các chương trình KH&CN về chăm sóc sức khỏe Nhân dân và Bảo vệ môi trường đã đạt một số kết quả như: Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho người cao tuổi địa phương.
Các trường học được trang bị phòng máy vi tính dạy môn Tin học cho các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 (có 72 máy phục vụ giảng dạy, 12 máy phục vụ quản lý). Trang bị máy chiếu phục vụ cho hội nghị, hội thảo. Nhờ đó chất lương giáo dục học sinh ngày được nâng cao.
Đã tiếp thu và vận dụng quy trình công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học như xây dựng hầm Biogas cho 165 hộ chăn nuôi heo. Nhờ vậy nên đã hạn chế phần nào việc ô nhiểm môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi.
III. Đánh giá chung
Từ năm 2009, hoạt động KH&CN của xã đã được triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Kế hoạch KH&CN được UBND Thị xã phê duyệt sớm ngay từ đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Các chương trình ứng dụng Khoa học Công nghệ đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của xã. Nhiều chương trình KH&CN đã được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất, đời sống. Công tác quản lý Nhà nước về KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động Trạm thông tin điện tử xã được củng cố và ngày càng tăng cường hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và thực hiện áp dụng KH&CN 04 năm qua của xã còn một số tồn tại:
- Một số Ban, ngành, đoàn thể xã ứng dụng KH&CN chưa đi sâu, chưa tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Công tác xã hội hoá các hoạt động KH&CN còn hạn chế.
- Việc nghiên cứu đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được thực hiện triệt để.
- Cơ chế quản lý KH&CN còn nhiều bất cập. Các cơ chế chính sách khuyến khích đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống chưa đáp ứng được yêu cầu.
B. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KH&CN NHỮNG NĂM TIẾP THEO.
I. Phương hướng
- Hoạt động KH&CN cần có trọng tâm, trọng điểm, có ý nghĩa tác động trực tiếp tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, dự án KH&CN phải tập trung ưu tiên cho việc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, thích hợp trong sản xuất và đời sống.
- Các nội dung ứng dụng KH&CN phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của xã và từ tình hình thực tiễn trong từng lĩnh vực. Các nhiệm vụ trọng tâm cần được xác định rõ và có phương án triển khai, giải pháp chủ yếu để thực hiện, cách thức chuyển giao và áp dụng các kết quả, sản phẩm nhằm đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của xã trong thời gian tới với chất lượng và hiệu quả cao.
II. Các nhiệm vụ chủ yếu
1. Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống
1.1. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KH&CN tiên tiến, công nghệ cao để chọn lọc, tạo và nhân nhanh các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái để bổ sung vào cơ cấu giống của xã.
- Ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản, đặc biệt là các bệnh như vàng lùn, lùn xoắn lá, vàng lùn sọc đen, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm, long móng, bệnh tai xanh và các bệnh nguy hiểm khác.
- Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và kết cấu hạ tầng, công nghệ, tiến tới xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã.
1.2. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ
- Nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường, phát triển thương mại dịch vụ theo hướng tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm mức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng khai thác, ứng dụng các tiến bộ KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công nghiệp để bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, thuỷ sản nhằm nâng cao giá trị hàng hoá, chú trọng việc chế biến các sản phẩm sau thu hoạch.
- Đẩy mạnh phát triển CNTT và Truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT và truyền thông; ứng dụng CNTT vào phục vụ cải cách hành chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
1.3. Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, Y tế và bảo vệ môi trường
- Nghiên cứu đề xuất các luận cứ khoa học cho Đảng ủy và chính quyền ban hành các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của xã; ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong giáo dục và đào tạo ở các cấp học để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện; đề xuất các giải pháp đảm bảo Quốc phòng - An ninh gắn với phát triển Kinh tế - Xã hội trong tình hình mới.
- Nghiên cứu các vấn đề phục vụ công tác bảo vệ sức khoẻ, phát triển thể chất, tinh thần, giảm tỉ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
- Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ thích hợp ở từng tuyến từ xã xuống ấp để phục vụ cộng đồng trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và dự phòng, khống chế và ngăn ngừa các bệnh dịch nguy hiểm.
- Tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng trang báo điện tử khoa học để cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về các tiến bộ KH&CN cho nhân dân; xây dựng các chuyên mục, chuyên đề phù hợp với mọi tầng lớp Nhân dân trong xã.
- Tiếp tục đầu tư trang bị nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, phương tiện làm việc cho các Ban, ngành, đoàn thể xã để hoàn thành tốt nhiệm vụ.