- Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi đi trên những con đường bê tông xi măng liên xóm, liên thôn vừa mới được xây dựng do nhân dân ở huyện Phù Cát ( Bình Định) hiến đất mở đường trong đề án xây dựng nông thôn mới; hai bên đường là những ngôi nhà mới xen lẫn với những thửa ruộng mã thời con gái đang xanh mơn mởn mang đậm nét hình ảnh thôn quê miền thuỳ dương cát trắng.
Chuyện người dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn phục vụ lợi ích cộng đồng, đã thực sự trở thành phong trào mang tính tự nguyện trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”. Đó là những nghĩa cử vô cùng quý báu cần đựơc phát huy và nhân rộng, thể hiện tấm lòng của người dân trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhân dân các địa phương đã chủ động bàn bạc và tự nguyện cùng nhau góp ngày công, tự nguyện giải phóng mặt bằng, làm đường bê tông giao thông nông thôn.
Đến xã Cát Khánh hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xóm. Những con đường được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi làm khởi sắc diện mạo của một làng quê ven biển. Ở đây dấu ấn rõ nhất của chương trình xây dựng NTM, ở không chỉ những con số thống kê mà ở đó là sức mạnh từ sự đồng thuận, nhất trí cùng với tinh thần đoàn kết trong cộng đồng của bà con nhân dân để làm nên những con đường nối liền giữa ý Đảng với lòng dân.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để có được 2 đoạn đường bê tông xi măng này, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong thôn phải kỳ công tuyên truyền vận động, thuyết phục cho nhân dân hiểu rõ lợi ích, thành quả của mình; để rồi hưởng ứng tham gia, tự nguyện đóng góp tiền và hiến gần 2.000 m2 đất vườn và phá bỏ tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường đi lối lại. Muốn vậy, thì đảng viên gương mẫu nộp tiền trước- nhân dân nộp tiền sau để xây dựng đoạn đường này.
Ông Huỳnh Văn Huấn, một người dân ở thôn An quang Đông, xã Cát Khánh vui mừng khi tuyến đường mới hoàn thành bày tỏ: “ Gia đình tôi rất đồng tình với việc hiến đất làm đường. Tôi đã vận động bà con dòng họ và lối xóm, góp một người một ít để mà làm con đường cho con cháu và bà con đi lại cho thoải mái. Giờ đây con đường đã hoàn thành việc đi lại thuận tiện hơn, tôi rất là mừng”.
Cùng chung chí hướng ấy, ông Nguyễn văn Điểu- ở thôn Hoà Dõng- xã Cát Tân, hiểu rất rõ chủ trương của Nhà nước đối với việc phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ khi xã phát động mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn, thấy nhiều hộ dân ở địa phương còn băn khoăn việc giải tỏa, đền bù, ông Điểu liền phân tích, động viên bà con tình nguyện hiến đất để công trình mau chóng tiến hành, tránh tình trạng nắng bụi, mưa lầy đem lại lợi ích chung cho thôn, xóm. Về phần mình, mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng hưởng ứng chủ trương chung của chính quyền địa phương, gia đình ông quyết định hiến gần 30 m2 đất và 20m tường rào để làm đường.
Một điều được cảm nhận rõ rệt, đó là ở những địa phương nỗ lực cho phong trào xây dựng NTM, diện mạo làng quê đã thay đổi từng ngày. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ chính nhận thức của mỗi người dân, họ hiểu được lợi ích của chương trình xây dựng NTM để xác định việc cần làm của bản thân họ sẳn sàng góp tiền, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi tiền đền bù của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Có thể nói, chưa bao giờ phong trào góp tiền, góp sức, hiến đất làm đường GTNT lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay. Thật đáng trân trọng biết bao khi rất nhiều hộ chỉ có mảnh đất, thửa ruộng làm kế mưu sinh, nhưng vẫn sẵn sàng hiến một phần ruộng đất, để phục vụ cho việc làm đường và các công trình xây dựng nông thôn mới.
Tính chung trên địa bàn huyện, năm 2013 nhân dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng- ngõ xóm, tạo cảnh quan, môi trường thông thoáng và phục vụ việc đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hoá cho người dân được thuận lợi. Đến nay, nhân dân đã hiến hàng chục nghìn m2 đất và các vật kiến trúc trị giá hàng chục tỷ đồng, để mở rộng hơn 42 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường bê tông GTNT toàn huyện (từ năm 2011- 2013) lên trên 400 km.
Có thể khẳng định rằng, giao thông nông thôn đang làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc, trong xây dựng nông thôn mới. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, người dân nông thôn đang góp không nhỏ sức mình vào sự đổi mới của mỗi làng quê hôm nay.