Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới. Ngày 01/11/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bắt đầu quá trình hội nhập sâu vào hệ thống thương mại đa phương thông qua việc thực thi các cam kết gia nhập và tuân thủ các quy định chung trong WTO.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam được tiếp cận thị trường hàng hoá và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ, không bị phân biệt đối xử. Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế vừa có cơ hội lớn, vừa phải đối đầu với thách thức không nhỏ. Cơ hội và thách thức luôn vận động, chuyển hoá; thách thức đối với ngành này có thể là cơ hội cho ngành khác phát triển. Tận dụng được cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua và đẩy lùi thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, không tận dụng được cơ hội, thách thức sẽ lấn át, cơ hội sẽ mất đi, thách thức sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục. Trong đó, nhân tố chủ quan, nội lực của đất nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn của toàn dân tộc là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc, lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tinh thần mưu trí, sáng tạo, vượt mọi hiểm nguy gian khó, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước và phẩm chất trí tuệ của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hoá. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi hàng hoá, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.
Kinh nghiệm từ một số nước có nền kinh tế phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã từng có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa, giúp các quốc gia này nhanh chóng vượt qua khó khăn về kinh tế. Hàn Quốc coi việc sử dụng hàng nội địa là một tiêu chí đánh giá phẩm chất đạo đức công chức, đạo đức của người lãnh đạo, quản lý. Các chính khách, chủ doanh nghiệp và người dân Hàn Quốc rất tự giác tiêu dùng hàng hóa nước mình ở trong nước và cả khi ra nước ngoài.
Phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi người Việt Nam cần nâng cao nhận thức, ý thức tự hào đối với hàng Việt Nam, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt trong mua sắm công và hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, thể hiện nét đẹp trong văn hoá ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cùng với ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài cần động viên, khuyên nhủ người thân trong gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Đấu tranh, phê phán các hành vi, tâm lý sính hàng ngoại trong xã hội, ở ngay tại cộng đồng dân cư và ở cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống và làm việc.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, nhất là bối cảnh khủng hoảng, suy thoái của nền kinh tế thế giới đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngoài ý nghĩa cấp thiết giúp nền kinh tế của nước ta vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam thời kỳ hội nhập. Nếu mỗi người dân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều quan tâm ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng về trước mắt cũng như lâu dài.