Người khởi nghiệp cần
chú ý những vấn đề pháp lý gì?
Thời gian qua, câu chuyện khởi nghiệp được
nhiều người quan tâm. Thế nhưng, nhiều người lại không am hiểu các quy định
pháp lý cần có khi khởi nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật.
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân
trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, sẽ tư vấn cho bạn
đọc những lưu ý về pháp lý khi bắt đầu khởi nghiệp.
Những lưu ý về pháp lý cho người khởi nghiệp
Có thể nói để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực thì một
trong những công việc mà những người khởi nghiệp phải làm là đăng ký kinh
doanh. Xin luật sư tư vấn cho bạn đọc về vấn đề này, thưa ông?
Chào bạn đọc báo Dân trí,
Đăng ký kinh doanh có thể thực hiện dưới hình thức thành lập
doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Trong lần tư vấn này tôi sẽ tư
vấn việc thành lập doanh nghiệp. Vì so với hộ kinh doanh cá thể, thành lập
doanh nghiệp sẽ gặp nhiều vấn đề về pháp lý hơn.
Đầu tiên, những người khởi nghiệp cần lựa chọn loại hình doanh
nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp
tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên
trở lên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có ưu và nhược điểm
khác nhau. Vì vậy, các bạn cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình doanh
nghiệp để có thể xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với
định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Thứ 2, các bạn cần chọn tên cho doanh nghiệp của mình. Tên doanh
nghiệp sẽ định hình thương hiệu nên các bạn cần phải lựa chọn kỹ trước khi
quyết định đặt tên. Mặt khác, các bạn cần truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng
ký doanh nghiệp quốc gia” website: dangkykinhdoanh.gov.vn để tra cứu xem tên
mình dự kiến đặt có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký
trước đó không? Nếu có thì buộc phải tìm tên khác để đặt cho doanh nghiệp của
mình.
Thứ 3, các bạn cần lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đăng ký.
Cần tra cứu xem những ngành nghề mà mình lựa chọn có thuộc 06 ngành nghề cấm
kinh doanh hoặc có thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Để nắm đăng
ký ngành nghề cho phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ 4, xác định địa chỉ đặt trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp
của doanh nghiệp bằng hợp đồng thuê, cho mượn hoặc là tài sản của doanh nghiệp.
Thứ 5, các bạn cần xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh. Số
vốn điều lệ không bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu, ngoại trừ những ngành nghề
yêu cầu phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, vốn điều lệ liên quan đến năng lực
tài chính của doanh nghiệp nên các bạn cần cân nhắc số vốn khi đăng ký.
Thứ 6, cần xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Nhất là
việc xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Vậy sau khi thành lập doanh nghiệp xong thì cần lưu ý về vấn đề
nào thưa ông?
Sau khi có đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp cần thực hiện các
công việc như sau:
- Cần tiến hành làm con dấu và đăng ký mẫu dấu. Hiện nay doanh
nghiệp chủ động trong hình thức, nội dung và số lượng con dấu.
- Đăng bố cáo trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”
website: dangkykinhdoanh.gov.vn
- Tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế tại nơi
đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định.
- Tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch
vụ chữ ký số.
- Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài.Nộp thông báo áp dụng phương
pháp tính thuế giá trị gia tăng.
- Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn.
- Hoàn thiện các thủ tục về góp vốn, biển hiệu…
Còn nội bộ doanh nghiệp thì cần phải làm gì thưa luật sư?
Tuy mới thành lập doanh nghiệp nhưng để tránh rắc rối về sau thì
cần xây dựng các thỏa thuận của các sáng lập viên về góp vốn, sử dụng vốn,
quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…Xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với
người lao động và pháp lý với đối tác như Nội quy lao động, Thỏa ước lao động
tập thể, Hợp đồng lao động, Hợp đồng kinh doanh thương mại…
Chỉ khi nào hoàn thiện các vấn đề pháp lý thì các bạn mới có thể
yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào vấn đề sản xuất – kinh
doanh cho doanh nghiệp của mình. Vì nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ mất rất nhiều
công sức, thời gian... thậm chí có thể dễ đến sự thất bại trong khởi nghiệp.