Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách
cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp
không ít khó khăn, vì vậy, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000
đồng/tháng) là hợp lý.
Ngày 17/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý
kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội,
dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017;
kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2016, ước thực hiện có 11 chỉ
tiêu đạt và vượt kế hoạch. Có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng
trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tổng
kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.
Liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với
biến đổi khí hậu, Chính phủ khẳng định, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế
trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.
Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp và xử lý kiên quyết các
cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp chưa
có hệ thống xử lý nước thải tập trung; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi
trường tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp tập trung, đặc biệt là sự cố ô
nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng được các bộ, ngành
trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo và đã có những chuyển biến tích cực.
Đã tập trung xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn nghiêm trọng được dư luận xã hội
đồng tình, củng cố thêm niềm tin của người dân vào công cuộc cải cách tư pháp
và phòng chống tham nhũng.
Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự
toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, Uỷ
ban TCNS cho rằng, mặc dù thu nội địa tăng so với dự toán (5,6%, tương đương
44.000 tỷ đồng) nhưng trên thực tế, các khoản tăng chủ yếu là do điều chỉnh
chính sách, tăng thu từ đất đai. Điều này cũng thể hiện rõ sự tăng trưởng kinh
tế chậm, không đồng đều ở các lĩnh vực, còn khó khăn ở khu vực doanh nghiệp nhà
nước.
Ủy ban TCNS nhất trí với những giải pháp tiết kiệm tối đa chi
thường xuyên, song để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Chính phủ chỉ rõ tiết kiệm
ở những lĩnh vực chi, khoản chi, mục chi nào. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng
thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường
tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, Theo Chủ nhiệm Ủy ban
TCNS Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong điều kiện
giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, vì vậy,
đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý, đề
nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản
biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc,
đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh
lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự
sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.