Dự thảo Nghị quyết về dự toán
ngân sách năm 2016 sẽ được Quốc hội thông qua vào sáng mai, 11/11. Gần cuối giờ
chiều ngày 10/11, bản dự thảo đang được chỉnh lý, hoàn thiện lần chót sau khi
đạt được thống nhất với các bộ liên quan về việc dành nguồn để tăng lương cơ sở
vào năm năm.
Theo đó, nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua thì từ 1/5/2016
lương cơ sở sẽ tăng thêm 5%, từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên mức 1.210.000
đồng/tháng (tức tăng thêm 60.000 đồng). Đây là mức lương điều chỉnh đối với
người lao động có hệ số từ 2,34 trở lên (bậc lương đầu tiên của người tốt
nghiệp đại học, bắt đầu đi làm.
Còn nhóm đối tượng người hưởng lương hưu và người có lương
thấp dưới hệ số 2,34 sẽ được giữ nguyên mức tăng 8% như đã điều chỉnh trong năm
2015 và thực hiện ngay từ 1/1/2016.
Để có trên 11.000 tỷ đồng bố trí
thêm cho việc tăng lương này, ông Bùi Đức Thụ cho biết, giải pháp là phải
cơ cấu lại phần chi theo tinh thần triệt để tiết kiệm, cắt giảm 30% tiền chi
hội nghị hội thảo, công tác, đoàn gia… và chi cho dự án chưa thật cấp bách. Còn
chi trả nợ sẽ vẫn giữ nguyên và bội chi được giữ ở mức 254.000 tỷ đồng.
Trong hơn 11.000 tỷ đồng này, hơn mộtt nửa là tiền ngân sách địa
phương phải lo (khoảng 6.000 tỷ đồng), ngân sách Trung ương phải lo hơn
4.000 tỷ nữa. Ông Thụ thông tin, UB Tài chính Ngân sách đã thống nhất
được với các bộ về nguồn tiền này.
Thừa nhận là áp lực cân đối để tăng lương lúc đầu là rất khó, song
ông Thụ nhấn mạnh, việc tăng lương là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện
một số khoản chi chưa thực sự tiết kiệm và nợ đọng tiền thuế lên đến 76.000 tỷ
đồng thì 50% trong số đó có khả năng thu được.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ
đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp rà soát và cơ cấu lại ngân sách nhà
nước theo hướng tích cực để có nguồn tăng lương.
Ông Thụ phân tích: “Lộ trình cải cách tiền lương đã chậm rồi trong
khi số người hưởng lương hiện tương đối nhiều (khoảng 4 triệu người – PV) và
thu nhập từ lương là chính nên đời sống của người làm công ăn lương khá khó
khăn. Vì thế, dù lần này không đạt được kỳ vọng là tăng lương 8% nhưng
việc điều chỉnh lên mức 5% vẫn có ý nghĩa cả về vật chất và tinh
thần đối với người lao động”.
Trước đó, dù Chính phủ đã trình phương án đề nghị để tính toán,
thu xếp nguồn và “nghe ngóng” nốt tình hình thu ngân sách, giá dầu… trong 2
tháng cuối năm nay và 2 tháng đầu năm sau rồi báo cáo Quốc hội về khả năng tăng
lương vào kỳ họp thứ 11 (dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016) nhưng cơ quan thẩm
tra (UB Tài chính Ngân sách) cũng vẫn băn khoăn, do dự, vẫn nêu song song cả
phương án không tăng lương vì ngân sách khó khăn, không cố bằng mọi giá.
Với bản dự thảo Nghị quyết như ông Bùi Đức Thụ trao đổi, phương án
tăng lương đã được chốt mà không cần chờ vào báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp
cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này.