Ông Đỗ Phước Lang (24, ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) nâng niu những kỷ vật trong ngôi nhà cổ.
Trong khu đất rộng 10.000m2, dù đã xây thêm 1 ngôi nhà cấp 4 theo lối kiến trúc hiện đại bên cạnh nhưng gia đình ông Đỗ Phước Lang vẫn giữ lại ngôi nhà cổ gần 100 tuổi ấy như một thứ kỷ vật quý báu của cha ông. Ngôi nhà cổ ấy rộng chừng 200m2 gồm 3 gian, 2 chái được xây cất từ năm 1927. “Thời đó, ba tôi tìm mua gỗ căm xe, gõ đỏ, bằng lăng… cất giữ cả chục năm. Khi gỗ đã đầy, ông rước thợ từ miền Trung vào để chạm khắc, cất dựng”, ông Lang kể lại. Cửa, hoành, tủ thờ, vật dụng trang trí trong nhà đều do các nghệ nhân nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ ở miền Bắc làm. Theo ông Lang, ở thời điểm bấy giờ, toàn bộ các chi tiết nhỏ, như: tiện, đục, bào, chạm đều được làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành ngôi nhà.
92 năm tồn tại, ngôi nhà này cũng đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ngôi nhà ấy cũng đôi lần bị bom đạn tấn công nhưng gia đình ông Lang đã sửa chữa kịp thời. Theo lời kể của người dân địa phương, xưa kia vùng đất Long Điền, Đất Đỏ vốn có nhiều rừng cây nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý như sến, dầu, gõ đỏ… Đây là những loại gỗ có độ bền cao, ít bị mối mọt. Chính vì thế, những ngôi nhà làm từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đến bây giờ vẫn còn tồn tại mặc dù đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá. Ngôi nhà của ông Lang xưa là nơi lui tới liên lạc của nhiều chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Giờ đây, ngôi nhà này là nơi thờ tự, hương hỏa của gia tiên.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Lang vừa cầm chiếc khăn lau chùi nhẹ nhàng vào từng cái bình hoa bằng gỗ, từng bộ ấm tách gốm sứ trông xưa ơi là xưa trên bộ bàn ghế cổ đặt ở gian giữa… “Để giữ được căn nhà cổ đến thời điểm này, bản thân tôi và gia đình cảm thấy rất vui và tự hào. Có người hỏi mua nhà cổ giá bạc tỷ nhưng tôi không bao giờ đồng ý. Tôi thường động viên con, cháu phải cố gắng giữ căn nhà này để làm nơi thờ tự ông bà, tổ tiên, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của vùng đất BR-VT”, ông Lang nói. Không chỉ giữ được nhà cổ, gia đình ông Lang còn gìn giữ được rất nhiều kỷ vật trong nhà như: 6 bức liễn cẩn xà cừ, 3 cái tủ thờ làm bằng gỗ cẩm lai, 3 bộ bàn ghế trường kỷ, 3 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, 1 cái rương làm bằng gõ đỏ... Trong số đó có những bức hoành phi, câu đối được Bảo tàng tỉnh xếp vào nhóm di sản Hán Nôm có giá trị.
Để giữ gìn ngôi nhà, hàng năm ông Lang đều khử mối, hạ những bức hoành phi, câu đối xuống lau chùi, phủ bóng nên trông mọi thứ trong nhà vẫn còn nguyên vẹn khiến những ai đã bước chân vào ngôi nhà đều phải trầm trồ khen ngợi. Trong số những kỷ vật trong nhà, có 2 cái bàn làm từ bánh xe bò theo ông Lang đó là kỷ vật đặc biệt. Bởi 2 cái bàn này được ba ông (tên là Đỗ Văn Long) chế tạo từ 2 chiếc bánh xe bò cũ. Phía trước ngôi nhà, ông Lang vẫn còn treo lồng đèn đỏ và cả những bức liễn nhỏ xíu.
Ông Trần Kim Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho biết, nhà cổ ở Long Điền gắn liền với giai đoạn lịch sử quan trọng, là nơi dừng chân đầu tiên của cha ông ta đến khai phá mảnh đất này. Nhà cổ còn là nhân chứng trong suốt quá trình con người đấu tranh với những biến cố thiên nhiên và lịch sử để tồn tại. Người Việt xưa vốn coi ngôi nhà là tổ ấm tâm linh nên nhà cổ cũng mang đậm nét văn hóa đặc thù của nhiều thế hệ, gắn liền với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn ti trật tự, mối quan hệ gắn bó trong gia đình, họ hàng, dòng tộc. “Trên địa bàn xã có 5-6 nhà cổ nhưng hiếm có những ngôi nhà nào còn được gìn giữ, trau chuốt như nhà ông Lang”, ông Danh nói.