TRANG CHỦ Tổng quan về xã Hoạt động địa phương Cải cách hành chính Lịch công tác tuần SƠ ĐỒ WEB Liên hệ Tìm kiếm
Thứ Sáu, 22/11/2024
Hỏi-đáp
Tin hoạt động-KHCN
Dịch vụ
PHÔNG UNICODE
Gương làm kinh tế giỏi
Sản phẩmPhim KH&CN
Tài liệu KHCN
Văn bản pháp quy
Sức Khỏe và Đời Sống
Gương Người tốt việc tốt
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Biển Hồ Cốc

Vườn thanh long xã Bưng Riềng

Mô hình trồng cây hồ tiêu

dự án trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

Lượt truy cập: 420830
  TRỒNG TRỌT

  QUY TRÌNH TRỒNG VÚ SỮA THEO HƯỚNG VIETGAP
07/06/2017

I. Giới thiệu chung về cây vú sữa

1.1. Nguồn gốc, xuất xứ:

            Cây vú sữa (Chrysophyllum cainino. L) thuộc họ Sapotaceae, là cây ăn quả vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đảo Antilles và châu Mỹ nhiệt đới. Phân bố ở Nam Mỹ, du nhập vào Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Thái Lan rồi vào Nam Việt Nam. Ở nước ta, cây vú sữa được trồng ở Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ và trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, với diện tích trên 2.200 ha.

             Vú sữa (Chrysophyllum cainito L) là một trong những loại trái cây rất được ưa chuộng nhờ phẩm chất ngon và giá trị dinh dưỡng cao, vú sữa được trồng ở nước ta từ rất lâu đời với nhiều giống khác nhau. Trong trái vú sữa có các chất dinh dưỡng là Protein, dầu acid malic, sucoro, đường, các vitamin.

Lớp cùi thịt của quả là ăn được và ngon, dùng làm các món tráng miệng; nó có vị ngọt và nói chung hay được phục vụ dưới dạng tươi hoặc làm lạnh (khoảng 10-15°C). Lá được dùng ở một số khu vực làm dạng như chè và người ta coi nó có tác dụng chống các bẹnh đái đường và thấp khớp. Vỏ cây được coi là có chứa chất bổ và có tác dụng kích thích, nước sắc vỏ cây được dùng để chống ho.

             Hiện nay, giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được Sở NN&PTNT Tiền Giang ban hành tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng của giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, quả có dạng hình cầu hoặc hình cầu hơi thuôn. Màu sắc quả vàng nhạt, hơi ửng hồng, chiếm 1/3 -3/4 diện tích vỏ quả tính từ phía đáy lên cuống, phần vỏ còn lại có màu xanh nhạt, bóng, dài, mềm, nhiều nước, vị ngọt béo, mùi thơm. Thịt quả có độ Brix >= 13,5%, axít 0,77 –0,09 %, PH 5,8 5,8 – 6,2; tỉ lệ Brix/axit >120; axit ascorbic>3,0 mg/100g.

            1.2. Điều kiện sinh thái

Cây vú sữa trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt đới nhiệt độ 22-340C, trên nhiều chân đất khác nhau. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng, nên trồng trên đất phù sa ven sông hoặc, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, ít chua, pH = 5,5 - 6,5, độ cao không quá 400m hoặc ở những vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, cây vú sữa ra hoa và đậu quả rất tốt.

II. Những quy định chung đối với trồng vú sữa theo hướng Viet-GAP

Viet-GAP(Vietnamese Good Agricultural Practices) hay còn gọi là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam. Đó là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

            2.1. Phạm vi áp dụng

Quy trình này áp dụng để sản xuất vú sữa an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

            2.2. Đối tượng áp dụng

            Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm quả tươi an toàn, nhằm:

- Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm.

- Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất và được chứng nhận Viet-GAP.

- Đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả cho sản xuất rau quả tươi tại địa phương.

            III. Quy trình kỹ thuật

            3.1. Quy hoạch và thiết kế vườn

            - Quy hoạch:     

            Để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm, việc lựa chọn vùng trồng là rất quan trọng. Vùng trồng có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy hiểm như: vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng, chất thải, … Vì vậy, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử, các mối nguy hại về sinh học, hóa học, vật lý, đánh giá khả năng ô nhiễm đất, nước của vùng trước khi trồng.

Tổ chức lấy mẫu đất nước theo phương pháp hiện hành, kết quả được so sánh với mức tối đa cho phép và điều kiện sản xuất an toàn.

Lập sơ đồ đối với vùng trồng/trang trại phù hợp quy hoạch trồng từng loại cây ăn quả của huyện. Vị trí phải thuận tiện giao thông, có nơi bảo quản vật tư nông nghiệp và các điều kiện hạ tầng khác.

            - Thiết kế vườn:

            - Đào rãnh lên luống: Đây là khâu rất quan trọng, đào rãnh sâu 1,0-1,5m, rộng 2-2,5m, bề mặt luống rộng 6-10m. Nếu trồng trên đất ruộng nên lên luống có đường kính thay đổi từ 0,8-1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi.

            - Vùng đất cao phải đào hố nông, đường kính 2,0m, sâu 0,3m. Giữa hố có mô đường kính thay đổi từ 0,8-1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi. Lấp đầy hố chung quanh chân mô bằng các vật liệu hữu cơ (cỏ khô, xác bã thực vật, …).

            3.2. Giống

            - Vú sữa Lò Rèn: có nguồn gốc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là giống vú sữa có hiệu quả kinh tế cao nhất, năng suất 1000- 1500 quả/năm/cây 10 năm tuổi, trọng lượng quả 200-300g, vỏ trái khi chín có màu hột gà, tươi bóng, phẩm chất ngon, có giá bán cao nhất so với các giống khác. Màu sắc quả vàng nhạt, hơi ửng hồng, chiếm 1/3 -3/4 diện tích vỏ quả tính từ phía đáy lên cuống, phần vỏ còn lại có màu xanh nhạt, bóng, dài, mềm, nhiều nước, vị ngọt béo, mùi thơm. Thịt quả có độ Brix >= 13,5%, axít 0,77 –0,09 %, PH 5,8 5,8 – 6,2 tỉ lệ Brix/axit >120, axit ascorbic >3,0 mg/100g.

- Các giống vú sữa Tím, vú sữa Nâu có năng suất thấp nhưng thưòng chín sớm hơn so với vú sữa Lò Rèn.

            *  Phương pháp nhân giống

            Giống phải đảm bảo tuyệt đối sạch bệnh, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Cành chiết, mắt ghép, cành ghép cần được lựa chọn từ những vườn cây mẹ đã cho quả ổn định và tuyệt đối sạch bệnh.

Gốc ghép phải được gieo từ hạt của cây mẹ cho quả ổn định, sạch bệnh.

Trong hồ sơ ghi rõ các thông tin liên qua đến người cung cấp giống, đặc điểm giống, các hóa chất sử dụng.

            - Nhân giống bằng phương pháp chiết cành

Nên chọn cây cho năng suất cao và độ tuổi dưới 10 năm. Chọn cành để chiết thường là cành bánh tẻ, có tuổi 12-14 tháng, nằm ngang, da vừa hóa gỗ, không mang cành vượt.

Thời gian khoanh cành có thể từ tháng 1-3 Âl. Dùng dao nhọn sắc khoanh và bỏ khoảng vỏ từ 2-2,5cm, dùng dây nilon buộc quanh vết cắt để ráo nhựa cây, 20-25 ngày sau đó bắt đầu bó bầu, vật liệu bó bầu thường là đất thịt tơi xốp, xơ dừa, rơm rạ, bùn ao, bao nylon. Sau khi bó bầu khoảng 10-15 ngày, kiểm tra nước và phun thuốc sâu để ngăn ngừa kiến và các côn trùng khác cắn phá rễ cây. Thường xuyên tưới nước để bầu không bị khô. Sau khi bó bầu 3-4 tháng, cắt nhánh và dùng bẹ chuối hoặc bầu nilon chứa đất xốp giâm nhánh, để trong mát dưỡng 15 - 30 ngày cho rễ thuần thục trước khi đem trồng.

            - Nhân giống bằng phương pháp ghép

Gốc ghép: Chọn những hạt vú sữa to, không bị sâu bệnh đem gieo trong vườn ươm. Làm thành luống gieo, thông thường cây mọc khoảng 3-4 tuần lễ sau khi gieo. Lúc cây có 3-5 lá thì có thể đem ra trồng ở vườn ghép, đến khi cây đạt tiêu chuẩn ghép (8-12 tháng tuổi) thì ra ngôi cho vào túi nilon có đục lỗ thoát nước sau đó tiến hành ghép. Sau khi ghép 40-45 ngày, kiểm tra thấy có sự tiếp hợp tốt giữa gốc ghép và cành ghép (mắt ghép) thì đem để trong bóng râm khi nào cây phát triển tược mới, lá thành thục mới có thể đem trồng.

Ghép nêm:

            + Gốc ghép: có đường kính tương đương hoặc lớn hơn cành ghép, được vạt 2 đường đối xứng nhau tạo thành hình vạt nêm dài 3-7 cm.

            + Cành ghép: đường cắt xéo sâu vào gỗ cành giống đến 1/3 đường kính cành, dài hơn vạt nêm trên gốc ghép một chút.

Sau đó lồng vạt nêm gốc ghép vào miệng cắt xéo của cành giống sao cho tượng tầng của 2 mặt cắt tiếp xúc tối đa. Quấn kín mối ghép bằng dây ghép.

            3.3. Thời vụ trồng

Vú sữa có thể trồng quanh năm nhưng nên trồng vào mùa xuân (tháng 2-3) hoặc đầu mùa mưa: tháng 7-8 đối với Bắc Bộ.

            3.4. Mật độ và khoảng cách trồng

Tùy theo chiều rộng mặt luống mà bố trí số hàng cây. Với luống rộng 7- 8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa luống, khoảng cách 7-8 m/cây, mật độ 5- 6 cây/ sào BB.

Với luống rộng 9-10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu, khoảng cách 9-10 m/cây, mật độ từ 3-4 cây/sào BB. Có thể trồng xen rau màu hoặc các loại cây ngắn ngày trong 1-3 năm đầu để tăng thu nhập.

            3.5. Chuẩn bị hố trồng, cách trồng

            Cũng như trồng các loại cây ăn quả khác, trước khi trồng 15-20 ngày tiến hành đào hố. Hố rộng và sâu mỗi chiều khoảng 60-70 cm. Xử lý vôi bột 1-1,5 kg vôi bột/ hố. Bón lót cho mỗi hố 10-20 kg phân hữu cơ mục và 0,5 kg NPK 16-16-8, trộn với đất mặt đủ lấp đầy hố. Trồng cây xong tưới nước ngay và giữ ẩm gốc thường xuyên mùa mưa không để đọng nước.

Đặt bầu cây thẳng đứng, mặt bầu ngang với mặt mô trồng, cắt bỏ vỏ bầu, lắp đầy hố bằng hỗn hợp nêu trên, nén chặt, cắm cọc cố định và tưới nước.

Có thể dùng vật liệu hay trồng cây che bóng như chuối,… để hạn chế ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây trong 1-2 năm đầu.

            Rễ vú sữa ăn nông, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng lá khô, rơm rạ, cỏ khô… để giữ ẩm cho đất, nên tủ cách gốc 40-50cm.   

            3.6. Tỉa cành, tạo tán

            Trong các năm đầu nên tỉa bớt cành, chỉ để lại các cành phân bố cành đều theo các hướng, tạo cho cây có tán tròn đều và khống chế chiều cao không vượt quá 4 - 4,5m. Cắt bỏ cành vượt trong tán, cành sâu bệnh, cành phụ ốm yếu mọc liên tiếp trên cùng một cành chính, cành mọc gần mặt đất.

            Vào sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa các cành mọc đứng bên trong tán, cành rũ, cành ốm yếu, sâu bệnh… để giúp cây thông thoáng và sớm ra chồi mới.

Đối với vườn có độ tuổi từ 20 năm trở lên, cây cao quá 6m nên tiến hành trẻ hoá cho cây. Kỹ thuật trẻ hoá nên được áp dụng liên tiếp trong 3 - 4 năm, mỗi năm trên từng phần của cây để đảm bảo mức thu nhập.

            Sau mỗi vụ thu hoạch nên cưa bỏ 1-2 cành vươn cao, ít lá và có biểu hiện sinh trưởng, năng suất kém nhất trên tán cây. Cưa ngắn các cành này còn 30- 50cm tính từ gốc cành. Khi cưa nên rót nước liên tục vào vết cưa nhằm tránh nhiệt độ cao do ma sát gây chết mô cây ảnh hưởng đến khả năng tái sinh chồi sau này, vết cưa nghiêng 450để tránh đọng nước. Sơn phủ bề mặt vết cưa bằng dung dịch CuSO4. Khoảng 15-20 ngày sau dưới mỗi vết cưa sẽ phát triển 5-15 chồi mới, nên tỉa bớt số chồi mới chỉ giữ lại 2-3 chồi khỏe và ở vị trí đều quanh cành. Khi chồi mới phát triển đến chiều dài 50-60cm thì tiến hành loại bỏ đỉnh sinh trưởng để kích thích chồi phân cành.      Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới. Cành mới có khả năng cho quả sau 12-18 tháng.

            3.7. Tưới nước

            Tưới nước đầy đủ là yếu tố thiết yếu đối với cây vú sữa nhằm đảm bảo sinh trưởng. Tưới đẫm sau thời kỳ khô hạn tạo tác dụng ra hoa đồng loạt cho cây và đảm bảo tỉ lệ đậu quả cao.

            - Giai đoạn cây con: cần cung cấp đầy đủ cho cây vú sữa. Tưới 3-5 lần/ tuần, tùy theo thời tiết hoặc nhu cầu của cây, giảm tỷ lệ cây chết và phát triển nhanh đặc biệt trong 3 năm đầu.

            - Giai đoạn cây ra hoa và mang quả cần tưới nước 2-3 ngày/ lần.

Sử dụng nguồn nước sạch đã được kiểm tra đánh giá trong ngưỡng cho phép sử dụng để tưới, pha phân bón, phun thuốc BVTV, rửa dụng cụ vật tư, … Nghiêm cấm sử dụng nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, nước phân chưa qua xử lý.

            3.8. Bón phân

            - Bón phân đều xung quanh và cách gốc khoảng 2/3 đường kính tán cây.

            - Từ khi trồng đến một năm: tưới 20-30g phân NPK hòa trong 20l nước/cây/lần/tháng.

            - Từ 1-3 năm: bón tổng lượng phân/cây/năm là hỗn hợp 1-2kg phân Urea + + NPK (20-20-15) với tỉ lệ 1/1/1 chia đều làm 4 lần bón trong một năm, mỗi lần cách nhau 2 - 3 tháng.

            * Bón phân cho cây trưởng thành, đã cho quải ổn định

Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho quả ổn định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Nên bón 4 lần phân vào các giai đoạn: xử lý ra hoa, đậu quả, nuôi quả và trước thu hoạch 1 - 2 tháng. Liều lượng phân bón thay đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 5 - 20 năm.

            Lần 1: Bón vào giai đoạn xử lý ra hoa ngay sau khi thu hoạch vụ trước: 5 –10 kg vôi bột. 10-15 ngày sau bón tiếp với hỗn hợp 20-40kg phân hữu cơ hoai mục + 3-4kg NPK (20-20-15).

            Lần 2: Bón lúc quả có đường kính khoảng 1cm với lượng 1-2 kg Urea + 1-2kg NPK/cây.

            Lần 3: Bón lúc quả có đường kính khoảng 3cm, với hỗn hợp 2-3kg phân NPK 20-20-15 + 1-2 kg KCl/cây.

            Lần 4: Bón trước thu hoạch 2 tháng với liều lượng 1-2kg phân NPK + 1-2 kg KCl/cây.

Các lần bón phân nói trên cách nhau khoảng 2 tháng.

            * Phương pháp bón:

Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc rồi bón lên mặt luống (mô) hoặc xới rãnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.

Lưu ý khi sử dụng phân bón:

Phân chuồng phải được ủ hoai mục, tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi, phân chưa qua xử lý.

Chỉ sử dụng các loại phân bón, chất bổ sung, kích thích có trong danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Phải đánh giá các nguy cơ ô nhiễm về hóa học sinh học của phân bón chất bổ sung lên sản phẩm.

Ghi chép thông tin và lưu hồ sơ về các loại phân bón sử dụng, số lượng, phương pháp bón, thời gian, địa chỉ và tên người cung ứng.

            * Xử lý ra hoa:

Xử lý ra hoa cho vú sữa khi cây đã trưởng thành, cho quả ổn định từ năm thứ 7 trở đi bằng phương pháp điều tiết nước và bón phân. Gom sạch lá rụng trên mặt luống để phơi khô đất, đồng thời xiết cạn nước. Sau khi thu hoạch xong, tỉa bỏ quả non còn sót lại và tỉa các loại cành già, cành vô hiệu, cành vượt, cành sâu bệnh.

Bơm nước tràn trên mặt luống 2 - 3 lần, 4 - 5 ngày/lần, yêu cầu đảm bảo mặt luống phải thật ẩm (bơm nước ngâm luống trong 1 -2 ngày).

Bón toàn bộ lượng phân đợt 1, tưới nước cho tan phân sau mỗi lần bón.

Tưới liên tục 3 lần/tuần cho đến khi cây ra hoa.

3.9. Thu hoạch, bảo quản, lưu hồ sơ

            Thời gian từ khi đậu quả đến khi thu hoạch từ 180 - 200 ngày tùy theo giống, mùa vụ. Tiến hành thu hoạch khi trái đã chín sinh lý trên cây. Quả phát triển đạt đến hình thái, màu sắc đặc trưng của giống.

Giống vú sữa Lò Rèn khi đến độ thu hoạch quả có vỏ bóng sáng, màu vỏ chuyển từ xanh nhạt sang màu kem đến hơi nâu ở phần đáy quả. Thu hoạch đảm bảo thời gian cách lý với thuốc BVTV và phân bón trước khi thu sản phẩm.

Khi thu hoạch nên cắt cả cuống trái dài 1-2 cm, loại bỏ quả có vết sâu bệnh, tổn thương và bao quả bằng các loại bao giấy nhằm tránh trầy xướt trong quá trình vận chuyển.

Các dụng cụ thu hái, vật liệu đóng gói cần đảm bảo vệ sinh để ngăn ngừa các nguy cơ gây hại lên sản phẩm.

Sau khi đóng gói sản phẩm phải có các thông tin để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

 

http://thongtinkhcn.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 878 111 - Fax: (84.064) 3 878 111
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu