"Bốn đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Nguyên tắc này nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất hiệu quả các loại thuốc nông dùng trong nông nghiệp.
1 - Đúng thuốc: Thuốc BVTV được sản xuất thành nhiều chủng loại, nếu không được sử dụng đúng vừa không hiệu quả mà còn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Trong từng chủng loại cũng được chia ra loại chọn lọc, loại đa dạng.
Thí dụ: thuốc trừ cỏ 2,4D chủ yếu tác dụng với các loại cây hai lá mầm, thuốc Fujione chuyên trị đạo ôn hoặc Validacine hữu hiệu đối với bệnh khô vằn hại lúa hoặc meo hồng trên cao-su .v.v. Những loại thuốc này có tính chọn lọc, nếu sử dụng đúng đối tượng sẽ đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, nhiều chế phẩm như Boóc-đô, Tilt super... có tác dụng với khá nhiều loại bệnh; hoặc Ofatox, Selecron, Padan... được dùng để trừ các loại sâu miệng nhai, chích hút... Đây là những thuốc nhiều tác dụng.
Cần lưu ý ở nguyên tắc là: thuốc trừ sâu chỉ dùng để trừ sâu, thuốc trừ bệnh dùng với bệnh, không được dùng lẫn lộn.
2 - Đúng liều lượng, nồng độ: Mỗi loại thuốc, trước khi đưa vào dùng cho cây trồng đều được khảo nghiệm nhiều lần, từ trong phòng thí nghiệm đến đại trà. Qua đó, người ta tìm ra liều lượng và nồng độ tối ưu đối với từng loài hoặc nhóm loài dịch hại, đối với từng loại cây trồng, thậm chí đối với từng giai đoạn sinh trưởng của mỗi loại cây.
Nồng độ, liều lượng được hướng dẫn trên nhãn thuốc còn được căn cứ vào độ an toàn cho nông sản, môi trường. Do vậy, khi sử dụng, bà con nông dân không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng, nồng độ đã quy định.
Nếu giảm đi, hiệu quả diệt trừ sẽ kém, ngược lại, nếu tăng lên sẽ "lợi bất cập hại", có thể sâu bệnh chết nhiều, nhưng thuốc cũng diệt luôn thiên địch, mức độ tồn dư của thuốc cao, làm mất an toàn vệ sinh nông sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Đối với rau quả, sử dụng không đúng liều lượng còn tạo ra khả năng quen thuốc, kháng thuốc ở nhiều loài dịch hại.
Việc tuân thủ nguyên tắc đúng liều lượng, nồng độ có tác dụng nhiều mặt.
3 - Đúng lúc: Xác định đúng thời điểm cần phun thuốc đòi hỏi phải nắm chắc các quy luật phát sinh, phát triển của dịch hại.
Không phải cứ thấy có sâu, bệnh là phun thuốc; hoặc cứ để chúng phát triển qua nhiều giai đoạn mới xử lý. Cả hai trường hợp này đều ít đem lại hiệu quả.
Cần theo dõi, điều tra chiều hướng phát triển của dịch hại để xác định thời điểm xử lý đúng nhất. Nếu điều kiện thuận lợi, dịch hại bùng phát nhanh thì cần phải ngăn chặn sớm.
Người ta đã xác định tương đối chính xác ngưỡng kinh tế, thí dụ cần phun thuốc trừ sâu đục thân hai chấm hại lúa khi lúa đẻ nhánh, lúc mật độ trứng là 0,8-1,2 ổ/m2; khi lúa trỗ, mật độ trứng đạt 0,2-0,4 ổ/m2. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, cần phun thuốc nếu ở giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông mà mật độ sâu non đạt 6-9 con/m2….
Việc xử lý đúng lúc đòi hỏi kỹ thuật dự tính, dự báo dựa trên kinh nghiệm của bà con nông dân, đồng thời cần căn cứ các quan trắc, tính toán của các cơ quan chuyên môn.
4 - Đúng cách: Đối với từng loại thuốc BVTV đều được hướng dẫn sử dụng từng thuốc và đa dạng thuốc. Chế phẩm dạng bột, thấm nước, dạng sữa phải pha với nước; dạng hạt, viên nhỏ thì rải vào đất; có dạng để phun mù, phun sương với lượng rất nhỏ hoặc có dạng thuốc chỉ để xông hơi, khử trùng kho tàng... Đa số thuốc BVTV trong trồng trọt thuộc dạng pha với nước hoặc rải vào đất.
Cách phun thuốc cũng có hướng dẫn và cần tuân thủ chặt chẽ. Dịch hại phát triển ở mặt dưới lá, chỉ ở phần lộc non hoặc ở gốc cổ rễ thì cách sử dụng đúng là phun chủ yếu vào nơi có dịch hại.
Riêng thuốc trừ cỏ càng phải thận trọng sử dụng đúng cách để không chỉ hạn chế tác hại của cỏ dại mà còn bảo vệ cây trồng, kể cả diện tích cây trồng gần nơi xử lý. Cần lưu ý hướng gió và tốc độ gió để thuốc không bay xa vào nơi không cần thiết.
Trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) ngoài hóa chất như vệ sinh, thời vụ, chăm bón, thiên địch, giống chống chịu... sẽ phát huy hiệu quả cao với sự phối hợp chặt chẽ của biện pháp hóa học trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng".