(VOH) - Ngành hồ tiêu Việt Nam có cơ hội, cũng như nhiều lợi thế để chi phối và điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới, tuy nhiên, do chất lượng thấp nên bị các nhà nhập khẩu ép giá.
Để giúp nhà vườn khắc phục tình trạng này, PGS - Ts Lê Quang Hưng, nguyên Trưởng khoa Nông học Trường Đại học Nông Lâm TPHCM hướng dẫn một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu khi thu hoạch.
Do chất lượng thấp, hồ tiêu Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế của mình. Ảnh: Dân Việt
Theo PGS, Ts Lê Quang Hưng, tiêu chí để đánh giá chất lượng hạt tiêu gồm có các tiêu chí về hình thái và hóa học như sau:
- Về hình thái: hạt chắc, vỏ cứng, dung trọng lớn hơn 550g/lít, tỷ lệ hạt lép dưới 3% và độ ẩm dưới 12%;
- Về hóa học: tinh dầu (thơm) trên 2% và chất cay trên 4%.
Để đạt được các tiêu chí trên, nhà vườn cần thực thiện các biện pháp dinh dưỡng tổng hợp.
Phân chuồng: Cây cần được bón lượng 10kg/nọc/năm và bón vào đầu mùa mưa.
Phân hóa học NPK: Ure với hàm lượng 300 – 400g/nọc/năm, Lân với hàm lượng 600g/nọc/năm và Kali với hàm lượng 250g/nọc/năm. Tất cả 3 loại trên được chia làm 6 lần bón trong 1 năm.
Phân vôi: Bón với hàm lượng 200g/gốc/năm, vôi làm cho độ pH trong đất cao, giúp cây hấp thu các chất dinh dưỡng tốt, đặc biệt là kali làm cho hạt chắc và vỏ cứng.
Ngoài ra, nhà vườn cũng cần bổ sung đầy đủ các chất vi lượng cần thiết cho cây hồ tiêu, phun khi trái non hình thành.
Tóm lại, nhà vườn cần kết hợp đầy đủ các loại phân bón bao gồm: phân chuồng, phân hóa học NPK, vôi và các chất vi lượng cần thiết cho cây để giúp nâng chất lượng hồ tiêu giúp tăng cao giá trị kinh tế khi thu hoạch, nhằm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.