Gút là bệnh viêm khớp phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, gây ra bởi sự tăng uric acid máu, dẫn đến hình thành tinh thể urate ở các khớp và một số mô khác. Tỷ lệ mắc bệnh gút ở các quốc gia trên thế giới trong khoảng từ 0,1-10%. Ở Việt Nam, theo thống kê của chương trình định hướng cộng đồng về kiểm soát bệnh thấp khớp (COPCORD), tỷ lệ mắc bệnh gút khoảng 0,14%. Bệnh tập trung ở nam giới độ tuổi trung niên, đặc biệt ở những người ăn nhiều đạm và thường xuyên uống bia rượu. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng được xác định là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gút.
Một số nghiên cứu liên kết trên toàn bộ hệ gen (GWAS - Genome Wide Association Studies) và nghiên cứu trên số lượng mẫu lớn (meta-analysis) đã xác định được sự tương quan giữa bệnh gút cũng như hàm lượng uric acid trong máu với biến thể của nhiều gen, đặc biệt là các nhóm gen mã hóa cho các kênh protein màng tham gia vận chuyển urate. Ở Việt Nam, hiện các nghiên cứu về gút chủ yếu chỉ mới tập trung vào các đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị bệnh gút. Chính vì vậy, việc thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đối với bệnh gút là rất cần thiết, tạo cơ sở để ứng dụng vào chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh và điều trị bệnh gút ở Việt Nam. Với mục đích đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao đề tài “Nghiên cứu đa hình nucleotide đơn (SNP) của một số gen liên quan đến bệnh gút ở người Việt Nam” cho Viện Nghiên cứu hệ gen chủ trì, do TS. Nguyễn Thùy Dương làm Chủ nhiệm trong giai đoạn 2017-2018.
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã tiến hành khảo sát và đánh giá tổng cộng 521 mẫu bệnh nhân gút và người khỏe mạnh được thu thập tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh. Dựa trên các phân tích thống kê và các kỹ thuật di truyền như PCR-RFLP, khuếch đại và giải trình tự các vùng gen đặc hiệu (Hình 1), tần suất allele của 7 biến thể nằm trên 5 gen ABCG2, SLC22A12, TNFα, TLR4 và SLC17A1 đã được xác định. Kết quả phân tích mối liên quan giữa tần suất allele của các biến thể gen trên với các đặc điểm lâm sàng của bệnh gút cho thấy hai đa hình ABCG2 rs72552713 và SLC22A12 rs11231825 liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh gút, trong đó biến thể ABCG2 rs72552713 có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gút và biến thể SLC22A12rs11231825 làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút ở các cá thể.
Hình 1. A) Ảnh điện di đại diện một số sản phẩm PCR nhân đoạn SLC17A1 rs1165196 cắt bằng enzyme TspRI;
B) Trình tự nucleotide 3 mẫu đại diện có kiểu gen GG, AA và GA của SLC17A1 rs1165196.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu thu được, đề tài đã xây dựng được quy trình đánh giá nguy cơ mắc bệnh gút ở người Việt thông qua xác định kiểu gen đa hình ABCG2 rs72552713 (Hình 2). Trong đó, kết quả xác định kiểu gen sẽ được kết hợp với kết quả khám sức khoẻ tổng quát, đặc biệt các chỉ số lâm sàng như acid uric máu, acid uric niệu, bạch cầu, trước khi đưa ra các kết luận đánh giá nguy cơ mắc bệnh gút và tư vấn điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống của bệnh nhân, giúp phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gút.
Hình 2. Sơ đồ minh họa các bước thực hiện quy trình đánh giá nguy cơ mắc bệnh gút ở người Việt Nam.
Các kết quả của đề tài đã được công bố trong một bài báo quốc tế trên tạp chí Medicina thuộc danh mục SCI-E và một bài báo trong nước trên tạp chí Công nghệ Sinh học.
Ngày 09/05/2019, đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá nghiệm thu, xếp loại Xuất sắc.