TRANG CHỦ Tổng quan về xã Hoạt động địa phương Cải cách hành chính Lịch công tác tuần SƠ ĐỒ WEB Liên hệ Tìm kiếm
Thứ Sáu, 22/11/2024
Hỏi-đáp
Tin hoạt động-KHCN
Dịch vụ
PHÔNG UNICODE
Gương làm kinh tế giỏi
Sản phẩmPhim KH&CN
Tài liệu KHCN
Văn bản pháp quy
Sức Khỏe và Đời Sống
Gương Người tốt việc tốt
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Biển Hồ Cốc

Vườn thanh long xã Bưng Riềng

Mô hình trồng cây hồ tiêu

dự án trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

Lượt truy cập: 421466
  HOẠT ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG

  TÀI LIỆU SINH HOẠT NGÀY PHÁP LUẬT (THÁNG 11 NĂM 2019)
19/11/2019

TÀI LIỆU SINH HOẠT NGÀY PHÁP LUẬT

(THÁNG 11 NĂM 2019)

I. LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự với nhiều thay đổi lớn trong công tác thi hành án. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Luật có những điểm mới cơ bản sau đây:

1. Phạm nhân được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm:

Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự bổ sung các nhóm quyền của phạm nhân, như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; được lao động, học tập, học nghề; được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được hưởng chế độ, chính sách nếu thuộc đối tượng được hưởng...

2. Về việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù:

Điều 28 quy định như sau: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam… phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù.

Đặc biệt, phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.

3. Có 8 đối tượng được giam giữ riêng:

Điều 30 về việc giam giữ phạm nhân quy định có 8 đối tượng có thể được giam giữ riêng, bao gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào nhà giam; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính.

4. Về xếp loại chấp hành án phạt tù:

Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ việc thực hiện kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ.

5. Người được tạm đình chỉ vì lý do bị bệnh nặng hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần phải trưng cầu giám định y khoa:

Tại Điều 37 về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ. Trong đó, quy định người được tạm đình chỉ có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức sẽ được đề nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần: Nếu đã phục hồi sức khỏe thì đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ; nếu chưa phục hồi thì người đó tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nếu bị xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì được đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc.

6. Tái hòa nhập cộng đồng:

Luật bổ sung Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng. Trại giam, Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù có thời hạn có điều kiện. Nội dung tái hòa nhập gồm: tư vấn tâm lý; định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí. 

7. Phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện:

Tại Khoản 4, Điều 52 quy định phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi vào không quá 2 lần trong 1 tháng bằng đường bưu chính. Trước đây, phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận, bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm. Riêng đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý, và không được sử dụng tiền mà chỉ sử dụng sổ lưu ký để mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác.

8. Về bổ sung quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện:

Trên cơ sở quy định của Điều 66, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật bổ sung Mục 3, Chương III, gồm 16 điều, từ Điều 57 đến Điều 72 quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

9. Người bị án treo có thể được rút hết thời hạn thử thách:

Tại Điều 89 quy định chi tiết về việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo. Theo đó, tại khoản 3 quy định trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo, có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này thì Tòa án có thể rút hết thời gian thử thách còn lại.

10. Quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại:

Luật dành toàn bộ Chương XI, gồm 12 điều quy định thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Quy định mới này nhằm thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, khi nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của mình và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh.

II. LUẬT SỬA ĐỔI LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM VÀ LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019. Luật có những điểm mới cơ bản sau đây:

1. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một bộ phận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi.

Đây là một loại hình kinh doanh bảo hiểm mới được quy định, theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm 5 hoạt động:

- Tư vấn bảo hiểm;

- Đánh giá rủi ro bảo hiểm;

- Tính toán bảo hiểm;

- Giám định tổn thất bảo hiểm;

- Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ 2019, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư sửa đổi.
 

2. Tư vấn bảo hiểm phải có trình độ từ đại học trở lên

Để cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, cá nhân phải có đủ các điều kiện theo Điều 93b Luật Kinh doanh bảo hiểm:

- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng đủ các điều kiện:

- Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp;

- Cá nhân trực tiếp hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện.

Tới 01/11/2020, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trước ngày Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực (01/11/2019) phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Trường hợp hết thời hạn mà không đáp ứng các điều kiện, cá nhân, tổ chức đó không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

3. Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phụ trợ bảo hiểm

Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được:

- Cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;

- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Lưu ý, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

4. Chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu không được sử dụng liên tục 5 năm

Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu (khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ 2019).

Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.
 

5. Thay đổi tiêu chí xác lập quyền sở hữu công nghiệp với chỉ dẫn địa lý

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luât Sở hữu trí tuệ hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thay vì như trước đây, quyền này được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục kế thừa tinh thần của khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo đó, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Luật sửa đổi Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/11/2019, trừ một số quy định về sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 (khoản 4 Điều 3).

III. LUẬT KIẾN TRÚC

1. Kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận, đề cập tại các hội nghị trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Và từ nay, nội dung này đã chính thức được luật hóa trong Luật Kiến trúc.

Cụ thể tại Điều 5, "bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam".

Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa với nhiều dân tộc khác nhau, do đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

2. 3 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề

Để đảm bảo chất lượng của các công trình kiến trúc, Điều 21 của Luật chỉ rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể là cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

3. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm

Theo Điều 27, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:

- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Sau khi hết thời hạn, người này phải bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục và không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được làm thủ tục gia hạn chứng chỉ.

4. Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc

Nếu như các hội đồng quốc gia khác được thành lập và duy trì hoạt động suốt đời thì Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, Điều 16 nêu rõ, Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng.

Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định thành lập về nội dung tham mưu, tư vấn của mình.

5. Áp dụng mẫu thiết kế riêng cho khu vực thường xảy ra thiên tai

Điều 11 của Luật đề cập "Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai".

Tuy điều luật này mới chỉ mang tính chất khuyến khích nhưng cũng là tiền đề để các kiến trúc sư, nhà quy hoạch nghiên cứu thiết kế các công trình phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai đem lại đối với cuộc sống của người dân.

6. Nhiều công trình của địa phương phải tổ chức thi tuyển

Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Theo Điều 17, các công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:

- Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;

- Nhà ga đường sắt trung tâm tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và các tuyến đường chính.

7. Tạo điều kiện cho người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam

Nội dung này thể hiện khá rõ tinh thần của cơ chế mở cửa thị trường ở nước ta hiện nay. Rõ ràng, Luật đặt ra 02 điều kiện để người nước ngoài được hành nghề kiến trúc tại Việt Nam:

- Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi;

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề của Việt Nam.

Có thể thấy, các điều kiện này không có nhiều khác biệt so với kiến trúc sư trong nước.

Trên đây là 07 điểm đáng chú ý của Luật Kiến trúc 2019 và Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

IV. LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

Luật Đầu tư công 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Sau đây là những nội dung mới, nổi bật nhất của Luật này.

1. Thống nhất định nghĩa về "Vốn đầu tư công"

Khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công 2019 quy định, vốn đầu tư công là vốn ngân sách Nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luât.

So với quy định trước đây tại Luật Đầu tư công 2014, định nghĩa về vốn đầu tư đã được thu hẹp hơn, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư…

2. Có 6 đối tượng đầu tư công từ năm 2020

Luật dành riêng một Điều (Điều 5) quy định về đối tượng đầu tư công – vấn đề không hề được quy định tại Luật Đầu tư công 2014 trước đây.

Cụ thể, có 06 đối tượng đầu tư công, gồm:

- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;

- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội;

- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư;

- Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy định;

- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác.

3. Phân cấp thẩm định nguồn vốn của chương trình, dự án

Một điểm mới đáng chú ý của Luật này là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án một cách rõ ràng tại Điều 33. Đây được coi là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư.

Trong đó, vai trò thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thuộc về: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

4. Thay đổi thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công

Theo khoản 1 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau (trước đây là đến hết ngày 31 tháng 12).

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau (trước đây chỉ quy định chung chung là đến năm sau). Trong trường hợp bất khả kháng, thời gian này có thể sẽ được kéo dài đến ngày 31 tháng 12 năm sau.

5. Thêm yêu cầu với tổ chức, cá nhân liên quan quyết định chủ trương đầu tư

Khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công 2019 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó.

Đây là quy định mới được bổ sung vào Luật năm 2019 mà Luật năm 2014 không đề cập đến.

6. Chỉ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước năm 2015

Vốn kế hoạch đầu tư công sẽ chỉ được bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 - quy định này được nêu tại khoản 4 Điều 101 của Luật.

Đồng thời, khoản 5 cũng chỉ rõ, đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật năm 2018.

V. LUẬT QUY HOẠCH

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Dưới đây là những điểm mới và quan trọng nhất của Luật Quy hoạch 2017.

1. Quy hoạch là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch được định nghĩa như sau:

Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

2. Nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch

Một trong những điểm nổi bật của Luật Quy hoạch 2017 là việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch những năm vừa qua, gồm:

- Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.

- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.

- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.

- Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.

- Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.

- Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.

3. Quy hoạch không được mang tính "nhiệm kỳ"

Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối đã tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước.  Để khắc phục những hạn chế, tại Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 quy định trong hoạt động quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.

- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.

- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

4. Cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến về quy hoạch

Theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch 2017, khi lập quy hoạch cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy hoạch, cụ thể:

- Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến.

- Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.

Cơ quan lập quy hoạch lấy ý kiến về quy hoạch thông qua các hình thức sau:

- Gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

- Việc lấy ý kiến cộng đồng được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch;

- Niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch trong việc xử lý ý kiến đóng góp:

- Ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.

- Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp.

5. Điều chỉnh quy hoạch không được làm thay đổi mục tiêu quy hoạch

Đây là một trong những nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch, theo đó:

- Việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, trừ các trường hợp sau:

 + Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;

+ Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;

+ Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;

Điều chỉnh quy hoạch không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý mà phải dựa trên những căn cứ theo quy định.

Điều 53 Luật Quy hoạch 2017 chỉ rõ, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;

- Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;

- Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;

- Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;

- Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;

- Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;

- Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

6. Quy trình lập quy hoạch tỉnh

Theo khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch 2017, lập quy hoạch tỉnh được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh

Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Bước 2: Đánh giá thực trạng và đề xuất các mục tiêu, định hướng phát triển

- Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch;

- Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;

Bước 3: Xây dựng nội dung quy hoạch

Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch;

Bước 4: Xử lý, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch

Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng;

Bước 5: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch

 Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;

Bước 6: Hoàn thiện và lấy ý kiến về quy hoạch

Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định.

Bước 7: Tiếp thu, giải trình và hoàn thiện quy hoạch

- Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;

- Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Bước 8: Trình để xem xét, thông qua và phê duyệt

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên đây là những điểm mới của Luật Quy hoạch 2017.

 

Phòng Tư pháp huyện Xuyên Mộc
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 878 111 - Fax: (84.064) 3 878 111
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu