Một nghiên cứu vừa chỉ ra bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang vải, đặc biệt là loại khẩu trang có nhiều lớp vải cotton có hiệu quả trong việc giúp ngăn chặn ô nhiễm giọt và khí dung của môi trường, từ đó, giảm thiểu nguy cơ lây truyền SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19.
Catherine Clase, phó giáo sư y khoa tại trường Đại học McMaster, bác sĩ chuyên khoa thận của St. Joseph's Healthcare Hamilton, đồng thời là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Trên thực tế, những hạt bụi nhỏ lơ lửng trong không khí có khả năng tiếp cận, xâm nhập và lưu lại ở bề mặt ngoài cũng như trong các lớp vải của khẩu trang, biến nó thành "ổ bệnh". “Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng một chiếc khẩu trang lý tưởng là chiếc khẩu trang có khả năng lọc những hạt bụi trong không khí hiệu quả theo cả hai hướng: từ bên trong và bên ngoài, từ đó, giúp bảo vệ người đeo khỏi ô nhiễm của môi trường bao gồm ô nhiễm không khí và ô nhiễm bề mặt khẩu trang".
Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích những thông tin dữ liệu gần đây và tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng khẩu trang vải có thể giúp làm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí và bề mặt của khẩu trang bị ô nhiễm bề mặt.
Bà Clase cho biết: "Bằng chứng về việc đeo hay không đeo khẩu trang dưới bất kỳ hình thức nào bên ngoài phạm vi các trung tâm, cơ sở chăm sóc sức khỏe giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn chưa được làm rõ. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao các quyết định hướng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các nước trên thế giới về việc thực hiện đeo khẩu trang ở những nơi công cộng rất khó thực hiện và không giống nhau. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng vải có thể chặn các hạt, thậm chí các hạt có kích thước siêu nhỏ (aerosol), hỗ trợ chính sách y tế công cộng của Canada về vấn đề này".
Việc đeo khẩu trang để bảo vệ chính bản thân người đeo và để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người khác đã được nghiên cứu trong những năm 1960 và 1970. Một chiếc khẩu trang với ba lớp vải giúp giảm nguy cơ ô nhiễm bề mặt khẩu trang tới 99%, lọc 99% tổng số vi sinh vật trong không khí và 88% đến 99% số vi khuẩn tồn tại trong các hạt bụi nhỏ hơn hay trong bụi không khí.
Ngoài ra, trên thị trường còn có loại khẩu trang được làm bằng vải muslin bốn lớp có khả năng lọc 99% các hạt trong không khí, trong khi con số là 96% đến 99% đối với loại khẩu trang y tế dùng một lần. Các nhà nghiên cứu cho biết, khẩu trang vải cũng như khẩu trang y tế đều tỏ ra hiệu quả trong việc chặn các hạt bụi khí aerosols.
Khả năng lọc của vải thay đổi tùy thuộc vào việc người sử dụng dùngp khăn, áo và áo phông để che mặt, dao động trong phạm vi từ 10-40%. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang vải nhiều lớp giúp làm tăng hiệu quả lọc vi khuẩn và các hạt. Nhiều nghiên cứu mới đã xác nhận rằng khẩu trang vải càng nhiều lớp càng giúp ngăn chặn hiệu quả hơn 90% các hạt bụi khí.
Theo bà Clase, mặc dù khẩu trang vải có nhiều lớp sẽ giúp bảo vệ người đeo khỏi nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn cũng như các hạt bụi trong không khí từ bên trong lẫn bên ngoài, nhưng sẽ mang lại cảm giác khó chịu, người đeo sẽ cảm thấy khó thở hơn. Cũng chính vì lý do này, các chuyên gia y tế khuyến cáo những đối tượng bao gồm trẻ em dưới hai tuổi và những người gặp khó khăn trong việc hít thở, biểu hiện thở khó khăn thì không nên đeo những loại khẩu trang này.
Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng trong tương lai nhóm sẽ tiến hành những nghiên cứu sâu rộng hơn các loại vật liệu cũng như thiết kế lý tưởng nhất dành cho khẩu trang vải, giúp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Nhận định được mức độ nghiêm trọng và khả năng khó kiểm soát trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất về lợi ích hơn là tác hại của việc đeo khẩu trang nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên Annals of Internal Medicine.