Kính thưa toàn thể nhân dân!
Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu con người sử dụng hàng ngày từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến, đóng gói. Tuy nhiên người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Bên cạnh những thực phẩm được kiểm soát tốt về chất lượng, vẫn còn tồn tại một số thực phẩm không an toàn như có chứa độc tố, tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm, vi sinh vật gây bệnh chưa thể kiểm soát hết. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm vì một nền nông nghiệp bền vững, UBND xã Bưng Riềng tuyên truyền tới tất cả các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn xã Bưng Riềng biết một số yêu cầu trong sản xuất, kinh doanhh nông lâm thủy sản:
1. Đối với cơ sở trồng trọt nhỏ lẻ:
- Nơi trồng trọt phải có khoảng cách an toàn với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
- Nước sử dụng để tưới, rửa sản phẩm phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02:2009/BYT.
- Thiết bị, dụng cụ chứa đựng, bao gói không gây độc hại, không gây ô nhiễm cho sản phẩm.
- Không được sử dụng trực tiếp phân tươi (chất thải của người, động vật).
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách.
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật.
- Lưu giữ thông tin mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
2. Đối với cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người.
- Chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi định kỳ phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
- Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Lưu giữ thông tin mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
- Thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi theo quy định.
- Không sử dụng thuốc thú y, kháng sinh cấm sử dụng, hết hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
3. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ:
- Nơi nuôi trồng thủy sản có khoảng cách an toàn với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
- Nước sử dụng để nuôi trồng phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT (đối với nước mặt), QCVN 10-MT:2015/BTNMT (đối với nước biển).
- Thiết bị, dụng cụ chứa đựng sản phẩm không gây độc hại, không gây ô nhiễm cho sản phẩm.
- Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam và còn hạn sử dụng.
- Sử dụng thức ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam; không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.
- Lựa chọn giống thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; được cơ quan có thẩm quyền kiểm dịch.
- Lưu giữ thông tin mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
4. Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bao gói sẵn:
- Cơ sở có khoảng cách an toàn với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
- Có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản sản phẩm đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
- Thiết bị, dụng cụ chứa đựng sản phẩm không gây độc hại, không gây ô nhiễm cho sản phẩm.
- Có dụng cụ thu gom chất thải, rác thải vào thùng kín, có nắp đậy.
- Không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
- Lưu giữ thông tin mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
5. Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm thủy sản khô:
- Không sử dụng phụ gia (phẩm màu, chất bảo quản…) không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
- Không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Cần tuân thủ đầy đủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, vệ sinh công nhân…).
- Cần đóng gói kín sản phẩm, vật liệu bao gói bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Cần bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, nhiệt độ phù hợp với yêu cầu của sản phẩm.
- Cần công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm (sản phẩm chế biến, bao gói sẵn).
6. Đối với tàu cá có chiều dài dưới 15 mét:
- Sử dụng nước, nước đá để rửa, bảo quản sản phẩm đáp ứng quy định tại Quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT.
- Thiết bị, dụng cụ chứa đựng sản phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho sản phẩm.
- Chủ tàu cá và các thuyền viên phải tuân thủ quy định về thực hành vệ sinh cá nhân trên tàu.
- Không sử dụng chất cấm, hóa chất, phụ gia ngoài danh mục để bảo quản thủy sản.
- Lưu giữ thông tin mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
7. Một số hình thức xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm:
- Phạt tiền đến 100 triệu đồng hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm;
- Phạt tiền đến 100 triệu đồng hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu;
- Phạt tiền đến 100 triệu đồng hành vi vi phạm quy định về sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Phạt tiền đến 20 triệu đồng hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài mức phạt tiền nêu trên, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Buộc tiêu hủy sản phẩm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
8. Khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn mọi người có thể báo về các số điện thoại sau:
* Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0254.3716925;
* Chi cục Chăn nuôi và Thú y: 0254.3828552;
* Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: 0254.3732920;
* Chi cục Thủy sản: 0254.3717137.