TRANG CHỦ Tổng quan về xã Hoạt động địa phương Cải cách hành chính Lịch công tác tuần SƠ ĐỒ WEB Liên hệ Tìm kiếm
Thứ Sáu, 22/11/2024
Hỏi-đáp
Tin hoạt động-KHCN
Dịch vụ
PHÔNG UNICODE
Gương làm kinh tế giỏi
Sản phẩmPhim KH&CN
Tài liệu KHCN
Văn bản pháp quy
Sức Khỏe và Đời Sống
Gương Người tốt việc tốt
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Biển Hồ Cốc

Vườn thanh long xã Bưng Riềng

Mô hình trồng cây hồ tiêu

dự án trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

Lượt truy cập: 420869
  TÀI LIỆU KHCN

  QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TRÙN QUẾ
20/12/2013

 I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

- Trùn quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae (họ cự dẫn), ngành ruột khoang.

        - Chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, trong tự nhiên ít tồn tại với quần thể lớn và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn địa phương sống trong đất.

- Cơ thể trùn quế nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất khô khoảng 15 – 20%. Hàm lượng các chất (tính trên trọng lượng chất khô) như sau: Protein: 68 –70%, Lipid: 7 – 8%, chất đường: 12 –14 %, tro 11 – 12%.

- Do có hàm lượng Protein cao nên trùn quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Ngoài ra, trùn quế còn dùng trong công nghệ chế biến thức ăn gia súc…

        - Sản phẩm phân trùn quế là loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không gây ra tình trạng “sốc” phân, yêu cầu trữ dễ dàng, đặc biệt thích hợp cho các loại hoa kiểng, vườn ươm và là nguồn phân thích hợp cho việc sản xuất rau sạch.

1.1. Đặc điểm sinh học

- Trùn quế có kích thước tương đối nhỏ, độ dài vào khoảng 10 cm, thân hơi dẹt, bề ngang của con trưởng thành có thể đạt 0,1 – 0,2 cm, có màu từ đỏ đến màu mận chín (tùy theo tuổi), màu nhạt dần về phía bụng, hai đầu hơi nhọn. Cơ thể trùn có hình thon dài nối với nhau bởi nhiều đốt, trên mỗi đốt có một vành tơ. Khi di chuyển, các đốt co duỗi kết hợp các lông tơ phía bên dưới các đốt bám vào cơ chất đẩy cơ thể di chuyển một cách dễ dàng

        - Trùn quế hô hấp qua da, chúng có khả năng hấp thu O2 và thải CO2 trong môi trường nước.

- Hệ thống bài tiết bao gồm một cặp thận ở mỗi đốt, các cơ quan này bảo đảm cho việc bài tiết các chất thải chứa đạm dưới dạng Amoniac và Ure.

1.2. Đặc điểm sinh lý

Nhiệt độ thích hợp nhất cho trùn phát triển là từ 20oC - 28oC.

- Độ ẩm luống nuôi thích hợp cho trùn quế phát triển từ 70 - 80%  

- Ánh nắng: Trùn rất sợ ánh nắng nên cần phải che chắn để tránh ánh nắng trực tiếp rọi vào chuồng làm cho trùn sợ và chui xuống phía dưới để sống. Tuy nhiên, khi che chắn vẫn phải đảm bảo được sự thông thoáng của chuồng trại và nhiệt độ trong chuồng nuôi. 

- Độ pH: chúng có thể sống ở phổ pH khá rộng từ 4 – 9, tuy nhiên trùn quế sống và sinh sản tốt nhất ở pH 7 – 7,5.

- Không khí: Thức ăn của trùn là phân nên hàm lượng khí độc hại (CO2, H2S, SO3, NH4) luôn tồn tại trong luống nuôi và chuồng nuôi. Do đó phải tạo sự thông thoáng cho chuồng nuôi, tránh để tồn lưu khí độc hại ảnh hưởng tới sự phát triển của trùn.

1.3. Đặc điểm sinh sản  

- Trùn quế là sinh vật lưỡng tính, chúng có đai và các lỗ sinh dục nằm ở phía đầu của cơ thể, có thể giao phối chéo với nhau để hình thành kén ở mỗi con, kén được hình thành ở đai sinh dục, trong mỗi kén mang từ 1 – 20 trứng, kén trùn di chuyển dần về phía đầu. Kén áo hình dạng thon dài, hai đầu túm nhọn lại gần giống như hạt bông cỏ, ban đầu có màu trắng đục, sau chuyển sang xanh nhạt rồi vàng nhạt. Mỗi kén có thể nở từ 1 – 10 con.

- Khi mới nở, con nhỏ như đầu kim có màu trắng, dài khoảng 2 – 3mm, sau 5 – 7 ngày cơ thể chúng sẽ chuyển dần sang màu đỏ và bắt đầu xuất hiện một vằn đỏ thẫm trên lưng. Khoảng từ 15 –30 ngày sau, chúng trưởng thành và bắt đầu xuất hiện đai sinh dục; từ lúc này chúng bắt đầu có khả năng bắt cặp và sinh sản. Con trưởng thành khỏe mạnh có màu mận chín và có sắc ánh kim trên cơ thể.

- Thời gian sinh sản của trùn liên tục quanh năm và cứ diễn ra trung bình một tuần một lần, nếu không có yếu tố bất lợi thì sự phát triển của trùn quế luôn tăng theo cấp số nhân.

II. QUY TRÌNH CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG

2.1 Xây dựng chuồng trại

- Nhà nuôi trùn được lợp bằng mái lá.

- Các lối đi được tráng nền kiên cố để dễ quét dọn và vận chuyển     

- Trong nhà nuôi trùn được chia ra các dãy luống nuôi, chiều cao trung bình 0,4 m, chiều ngang từ 1,5 – 2 m để dễ quản lý, chăm sóc và khai thác.

- Nền chuồng được tráng hồ non cho dễ thấm nước, mặt nền có độ dốc, có lỗ thoát nước để tránh ngập úng. Trường hợp tận dụng chuồng trại sẵn có mà nền chuồng không thấm nước hay không có lỗ thoát nước thì đổ nền cát cao từ 10 – 15 cm, trải lưới cước (lỗ  ≤  1 mm2) giúp thoát nước dễ dàng.

- Chuồng trại phải đảm bảo được sự thông thoáng, hạn chế tồn lưu khí độc hại trong chuồng, tránh mưa tạt gió lùa. Chuồng làm xa trục lộ giao thông, tránh tiếng ồn.

- Che chắn bằng lưới đen xung quanh chuồng nuôi tạo bóng tối trong chuồng nuôi (không quá tối) để trùn lên ăn cả ngày lẫn đêm, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào luống nuôi.

2.2. Thả giống

a. Cách chọn giống:

Giống trùn chọn thả phải đảm bảo về hình dáng và kích thước đặc trưng của giống, đa số trùn có màu đỏ đậm, chui xuống luống nuôi hoặc vận động không quá chậm khi bị bắt. Chọn sinh khối có nhiều kén và trùn con.  

b. Cách thả giống: Thả sinh khối (là ổ trùn bao gồm trùn bố mẹ, trùn con, kén và môi trường sống)

- Lấy sinh khối thả vào luống trùn với mật độ thả: 20 – 25 kg/m2.

- Sau 2 giờ thì tưới nước và sau 1 ngày có thể cho trùn ăn phân.       

2.3. Cho ăn

Thức ăn sử dụng trong nuôi trùn quế là phân bò tươi, không có hóa chất độc hại, thuốc sát trùng, vật lạ ...     

a. Cách thức cho ăn:

- Trước khi cho ăn phải kiểm tra luống nuôi xem thức ăn còn dư hay không, qua đó đánh giá tạm thời sức ăn của trùn để cho ăn nhiều hay ít.  

- Dùng tay (có bao tay) hay xẻng nhỏ lấy từng mảng phân bỏ vào luống nuôi, mảng phân đường kính 10 cm cao 2 cm, các mảng phân cách nhau 10cm.

- Sau đó tưới nước đều trên luống trùn để giữ độ ẩm cho luống nuôi và mảng phân bò. Nếu mảng phân khô thì tốc độ ăn của trùn sẽ giảm, do đó phải đảm bảo mảng phân luôn ẩm ướt.

b. Cách phát hiện thức ăn dư: Kiểm tra luống trùn nhận thấy bề mặt phân luống trùn có màu đen nhạt (trùn ăn mạnh thì sau 3 – 4 ngày bề mặt luống trùn phủ màu trắng vàng nhạt). Khi kéo mảng phân trên bề mặt luống lên nhận thấy có rất ít trùn tập trung dưới mảng phân, mảng phân không tơi xốp hay độ tơi xốp thấp, nếu độ ẩm không đủ thì mảng phân có thể cầm lên dễ dàng (mảng phân được ăn hết thì rất xốp, không còn hình dáng ban đầu của mảng phân).

c. Nguyên nhân dư phân:

- Do bỏ phân cho trùn ăn quá nhiều mà lượng trùn trong luống lại ít, trùn ăn không hết làm thức ăn dư thừa.

- Do luống nuôi và mảng phân không đủ độ ẩm cần thiết làm ảnh hưởng tới khả năng ăn của trùn.

- Do phân hoặc nước tưới lẫn tạp chất, hoá chất độc hại trùn không ăn.

- Do tác động từ các yếu tố khác như: nhiệt độ môi trường nuôi, ánh sáng, tiếng ồn ...

d. Biện pháp can thiệp: 

- Do thức ăn dư: hốt bớt phần phân cho ăn trong luống ra sau đó tưới nước lại, để trùn ăn hết phần phân dư. Dùng bàn cào xới phần sinh khối trong luống trùn giúp tạo sự thông thoáng thoát khí độc hại, sau đó cho ăn lượng phân ít hơn 2/3 hoặc một nửa so với bình thường.

- Do độ ẩm không phù hợp: kiểm tra nếu thấy trùn ăn yếu do nguyên nhân độ ẩm thì cần điều chỉnh lại chế độ tưới cho phù hợp.

- Do thức ăn lẫn hoá chất độc hại: lấy hết phân đã cho ăn trong luống ra, dùng bàn cào xới phần sinh khối trong luống trùn giúp tạo sự thông thoáng thoát khí độc hại, tưới nước, sau đó cho ăn lượng phân ít hơn 2/3 hoặc một nửa so với bình thường.

2.4. Tưới nước

Khâu tưới nước giữ độ ẩm cho trùn quế rất quan trọng, độ ẩm yêu cầu thích hợp cho trùn quế phát triển từ 70 - 80%.

Nếu khô quá trùn sẽ ít ăn phân và phát triển chậm, nếu luống trùn dư nước thì trùn sống tập trung trên bề mặt nhiều, lượng trứng nở ra thấp do bị úng gây thối ảnh hưởng tới sự nhân giống của trùn.

a. Cách tưới nước:

- Kiểm tra luống nuôi xem độ ẩm để điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp

- Dùng nước cây hoặc nước mưa tưới đều khắp luống nuôi với một lượng nước vừa phải, khối lượng nước trung bình tưới 1 m3/300 m2/lần tưới.

- Hằng ngày kiểm tra và phải đảm bảo độ ẩm luôn phù hợp cho trùn phát triển.

b. Cách nhận biết độ ẩm thích hợp: Lấy tay nắm chặt phần sinh khối trong luống nuôi sau đó thả ra, nếu thấy phần sinh khối còn giữ nguyên và tay ta chỉ ướt là đủ, nhưng nếu thấy nước chảy ra hoặc phần sinh khối bị vỡ và rơi xuống như vậy là quá ướt hoặc quá khô

III. KHAI THÁC - CHẾ BIẾN

Đối với luống trùn mới nhân giống (nuôi mới) thì khai thác lần đầu vào 2 tháng sau khi thả giống. Luống trùn nuôi cũ thì khai thác 1 lần/tháng.

3.1. Cách khai thác:

Khi kiểm tra luống nuôi nếu đã đủ thời gian nuôi và trùn trong luống phát triển bình thường thì tiến hành khai thác.

- Cho trùn ăn trước 3 ngày mới khai thác, như vậy sẽ không còn lượng phân dư trong luống nuôi.

- Ngưng tưới nước 1 ngày trước khi bắt trùn

a. Khai thác trùn thịt: có 2 cách 

- Cách 1: thu hoạch bằng phương pháp nhử mồi sau khi cho trùn ăn được 3 ngày, dùng tay hốt trên bề mặt luống, nơi đã bỏ phân bò (vì chúng sẽ tập trung vào đây để ăn).

- Cách 2: lấy toàn bộ phần sinh khối

Trải tấm nilon ngoài sân trống có ánh nắng càng tốt. Đổ phần hỗn hợp này lên tấm nilon, sau đó gạt bỏ phần sinh khối bên trên lần lượt vì khi trùn ra ngoài sợ ánh nắng nên trốn xuống phía dưới cho đến khi chỉ còn trùn. Chú ý rằng lớp sinh khối bên trên này cho trở lại luống để tiếp tục.

 b. Khai thác sinh khối

Dùng tay lấy sinh khối phía trên luống trùn chiếm khoảng 2/3 chiều dày luống trùn tùy theo thời gian nuôi (sinh khối xốp, màu đậm hơn, có nhiều trùn và kén).

c. Khai thác phân trùn    

- Tách phần sinh khối bỏ qua 1 bên, sau đó cào toàn bộ phân trùn khoảng 1/3 phía dưới tùy theo thời gian nuôi (phân trùn chai hơn và màu nhạt hơn, không có hoặc có rất ít trùn và kén).

- Dùng bàn cào sang đều phần sinh khối qua bên mới khai thác và tiếp tục nuôi

3.2. Cách chế biến trùn thịt:

- Trùn thịt sau khi khai thác sử dụng ngay làm thức ăn cho cá, gà….

- Phơi khô: trùn thịt sau khi khai thác đem rửa sạch phân trùn, đem ra nắng phơi khô trên tấm nilon, đóng gói bọc trọng lượng 0,2 kg và 0,5 kg/bọc.

- Đông lạnh: Trùn thịt sau khai thác đem rửa sạch phân trùn, đem bỏ vào bọc nilon với trọng lượng 0,5 và 1 kg/bọc, buộc kín cho vào đông đá.

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ TRỊ MỘT SỐ BỆNH

4.1. Bệnh trúng khí độc:

Do đáy chất nền đã bị thối rữa, trong thời gian dài chất nền thiếu O2 làm cho khí CO2chiếm lĩnh hết khe hỡ của chất nền, làm trùn chui lên sống trên lớp mặt.

Cách khắc phục: Dùng cuốc chĩa xới toàn bộ mặt luống và tưới nước.

4.2. Bệnh no hơi:

Do trùn ăn nhằm những loại thức ăn quá giàu "chất đạm" như phân bò sữa, heo... làm cho phân có mùi chua. Sau khi cho ăn, trùn có hiện tượng nổi lên trên mặt luống và trườn dài sau đó chuyển sang màu tím bầm và chết.

Khi phát hiện trường hợp này nên hốt hết phần phân lỡ cho ăn ra và tưới nước lên luống.

4.3. Địch hại:

Kiến, chim, cóc, nhái... là những địch hại nguy hiểm của trùn quế.

- Đối với kiến hãy diệt tận gốc, dùng vật nhọn moi tận gốc của ổ kiến, xịt thuốc và vệ sinh thật sạch khu vực xung quanh chuồng trại.

- Đối với cóc, nhái: có thể câu chúng vào buổi chiều hoặc chỉa vào buổi tối.

- Đối với chim thì chuồng trại được che chắn kín chống chim vào ăn trùn

4.4. Tác nhân hoá học:

Các loại thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng, xà bông, nước rửa chén … các tác nhân này sẽ làm chết trùn.

Không sử dụng phân hoặc nước có lẫn thuốc sát trùng, phân cho trùn ăn phải lấy và để riêng một khu trước khi phun xịt thuốc sát trùng chuồng trại

http://giongkiengiang.com/
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 878 111 - Fax: (84.064) 3 878 111
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu