Cây đu
đủ tên La -tinh là Carica papaya L., nguồn gốc Trung Mỹ đã được nhà báo Oviedo
người Tây Ban Nha mô tả năm 1526 ở bờ biển các nước Panama và Colombia. Rất có
thể du nhập vào Việt Nam
qua ngả Philiippines. Nhiều loài đu đủ khác cũng được trồng ở một vài nơi và
cũng nên biết để lai tuyển chọn giống như:
- candamarcencis Hook (đu đủ núi)
- cundinamarcensis Linden.
- quercifolia Benth and Hook (đu đủ lá cây giẽ).
- chryso petala Heilb
- pentagona Heilb (đu đủ năm góc, còn có tên là Babacao, tái dài, không hột,
ruột vàng, mùi vị giống như dưa gang tây (melon).
- microcarpa Jacq (đu đủ nhỏ trái).
Đây là
một cây trái rất quen thuộc được trồng ở khắp mọi nơi, từ một vài cây quanh
nhà, bờ đê đến xen canh cây lâu năm, hoặc có nơi trồng thành vườn chuyên.
Đặc tính thực vật:
Đu đủ là một cây song tử diệp, nhưng thân không cứng và cũng không đâm nhánh,
trừ phi đã bắt đầu già cỗi. Cây cao chừng 3-7m và ngọn có nhiều lá, cọng dài
60-70cm, mềm và rỗng ruột, gồm 7 phiến, rộng đến cả thước rưỡi. Thân đầy sẹo
lá.
Đu đủ thường là cây đồng chu, nhưng đu đủ có thể xếp thành 3 loại trên phương
diện giới tính: cây đực, cây lưỡng tính và cây cái. Vài cây đu đủ cũng có thể
trổ cả ba loại hoa nói trên. Ngoài ra cũng có cây ra hoa không hẳn hoàn toàn đực,
cái hay lưỡng tính mà lại pha lẫn nhiều ít đặc tính của ba loại hoa. Khuynh
hướng thay đổi giới tính phần lớn do thời tiết gây ra tỉ như khô hạn và thay
đổi nhiệt độ. Nhiệt độ càng cao thì khuynh hướng sản xuất hoa đực càng lớn. Hoa
đực ở cây đực màu hơi xanh lục, mọc từ nách lá trên những chùm dài, nhiều
nhánh. Hoa cái ở cây cái lớn hơn, cuống rất ngắn, mọc rải rác hay hai ba hoa ở
phần trên thân, sản xuất trái tròn, bầu dục hay hình trái lê, vỏ xanh hay vàng
khi trái chín. Cây đực lẽ dĩ nhiên là không có trái. Trái của hoa lưỡng tính
được ưa chuộng hơn ở thị trường. Vì vậy, cần lựa chọn cây cho trái với loại hoa
cái hay hoa lưỡng tính thích hợp. Nhà vườn không thể nào lựa chọn được, nếu chỉ
gieo hột lấy từ trái thụ phấn tự do. Trái lại, nhà vườn có thể lựa chọn một
cách khá chính xác cây nào là cái, cây nào là lưỡng tính bằng cách bao giấy hoa
cái hay hoa lưỡng tính chưa nở, rồi tự lựa phấn để rắc tay (thụ phấn chéo) vào
vòi noãn khi hoa cái hay hoa lưỡng tính nở. Những nghiên cứu về thụ phấn trên
đu đủ cho biết rằng:
1) Thụ phấn hoa cái bằng phấn hoa đực thì một nửa số cây con sẽ là cây đực, một
nửa sẽ là cây cái.
2) Dùng phấn hoa lưỡng tính để thụ phấn hoa cái thì một nửa số cây sẽ là cây
cái, một nửa sẽ là cây lưỡng tính.
3) Hoa lưỡng tính tự thụ tinh hay thụ phấn chéo với phấn hoa lưỡng tính khác
thì cho tỉ lệ một cây cái hai cây lưỡng tính.
4) Dùng phấn cây đực để thụ phấn hoa lưỡng tính thì một phần ba số cây sẽ là
cây cái, một phần ba sẽ là cây đực, một phần ba sẽ là cây lưỡng tính.
Chiếu theo nghiên cứu này, phương cách 2) và 3) sẽ cho những cây con ra trái
nhiều nhất. Nếu không làm thụ phấn bằng tay, nhà vườn cũng có thể để lại vài
cây đực trong vườn thì đủ bảo đảm các hoa khác đều thụ phấn và ra trái.
Yêu cầu về khí hậu đất đai
Cây đu đủ rất ưa nắng và trời ấm áp. Nhiệt độ dưới 00C làm cây chết hay hư hại
nặng nề. Nếu khi trái chín mà nhiệt độ khí trời lạnh, không đủ nóng thì trái sẽ
lạt nhách. Đu đủ cũng cần nhiều mưa và mưa phân phối đồng đều. Nếu không thì
cần tưới nước, đu đủ mới cho nhiều trái. Thiếu nước mùa nắng, hoa sẽ ít đậu
trái và trái non sẽ rụng nhiều. Tuy nhiên, nếu quá nhiều nước, nhất là nước
đọng thì cây mọc hay phục hồi chậm, yếu. Lá, rễ bị hư hại nhiều. Cây đu đủ cũng
không chịu đựng được gió to.
Đu đủ có hệ thống rễ đuôi chuột và như vậy đòi hỏi đất nhẹ, nhiều mùn, thoáng
khí. Đất có độ pH từ 6 đến 6,5 là thích hợp nhất. Tuy đu đủ được trồng bất cứ
mọi nơi, nhưng muốn năng suất cao thì phải bón phân. Mỗi năm bón cho mỗi cây độ
chừng 50kg phân rác mục, cây sẽ cho nhiều trái. Bón phân đạm cho đu đủ, lá sẽ
xanh tươi. Bón phân lân, đu đủ sẽ mọc mạnh và kháng bệnh tật hơn. Bón phân
kali, trái đu đủ sẽ giòn và ngọt hơn. Ở đất nghèo nên bón cho mỗi cây con, khi
mới đặt vào lỗ, hay sau đó ít lâu khoảng 200 - 250g phân hỗn hợp 10-10-5 (trong
đó 30% đạm nguồn gốc hữu cơ). Số lượng này bón hai tuần một lần và tăng thêm
dần dần đến 500-600g, khi cây được 7-8 tháng. Sau đó chỉ bón hàng tháng là đủ
bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho năng suất cao, trừ phi mưa to quá làm trôi hay
trực di phân đi thì phải bón lại phân ngay.
Nhân giống và trồng trọt
Tháp hay giâm cành đu đủ đều được cả, nhưng tốn công vô ích. Trái lại trồng
bằng hột thì dễ dàng tiện lợi. Trái đu đủ đã nhiều hột, mà hột lại tồn trữ dễ
dàng. Hột vẫn còn nẩy mầm sau ba năm nếu đựơc tồn trữ nơi khô ráo và mát mẻ.
Gieo hột càng tươi càng tốt và nên chọn hột ở trái chín.Hột phải rửa sạch chất
nhờn bao quanh trước khi gieo trên liếp ương, ngoài nắng, thành hàng song song
cách nhau 20cm. Hột nảy mầm đều đặn sau 10-15 ngày. Cũng có thể gieo hai ba hột
trong bầu nhỏ để trừ hao khi hột ít nảy mầm, sâu bệnh phá hại hay để tỉa bớt
cây đực. Cây con được một tháng ở liếp ương thì đem cấy ở vườn ương ở khoảng
cách 0,50 x 0,50m hay tốt hơn nữa là cây trong bao nhựa dẻo. Khi cây con cao
50cm thì đem trồng. Hố trồng có kích thước 0,60 x 0,60 x 0,60m là vừa.
Cây đu đủ lấy trái trồng ở khoảng cách 3,50 x 3,50m. Nếu trồng để lấy nhựa, lấy
mủ thì ở khoảng cách gần hơn 2 x 2m hay 2 x 3m. Trồng hàng đôi 2 x 2m và cứ hai
hàng lại chừa một khoảng cách là 4m thì có thể trồng xen kẽ cây khác ở giữa các
hàng đu đủ.
Khoảng 5 - 6 tháng sau khi đặt vào hố, cây đu đủ bắt đầu trổ hoa. Chỉ nên giữ
lại các cây cái hay cây lưỡng tính mọc mạnh, tỉa bỏ các cây khác. 9 - 10 tháng
sau khi trồng là đu đủ đã có trái và cây ra trái suốt năm. Đu đủ có thể sống 20
năm. Nhưng mức sản xuất chỉ đáng kể trong 10 năm đầu. Mức năng suất khá là
chừng 15 tấn/ha/năm thì có thể thương mại được. Trồng để lấy mủ thì chỉ khai
thác được trong vòng ba bốn năm mà thôi.
Các giống đu đủ
Ở miền Nam,
trước tiên nên kể ra giống đu đủ ruột đỏ, dày, giòn, thơm ngon, nhưng ít ngọt,
trồng nhiều ở đất giồng đồng bằng sông Cửu Long, giáp biên giới Campuchia. Đu
đủ ruột đỏ gồm nhiều hoa lưỡng tính đậu trái và như vậy cây nào cũng có trái.
Trái hình bầu dục, đầu nhọn, màu xanh, hơi vàng khi trái chín. Một giống đu đủ
khác là đu đủ ruột vàng cũng tìm thấy ở đất giồng. Đu đủ này có nhiều cây đực
hơn. Trái nhiều hơn, tròn hơn nhưng ngắn hơn và có màu vàng khi trái chín. Hột
cũng nhiều hơn, ruột mỏng hơn và mềm nhũn, ăn hơi hôi.
Một giống nữa ở miền Nam
có ruột vàng hay vàng cam, trái hình bầu dục và ngọt nhưng ít thơm hơn đu đủ
đỏ.
Giống Solo nguồn gốc xứ Barbade ở Nam Mỹ nhưng được tuyển chọn ở Hawaii lâu ngày là giống
duy nhất được thương mại hóa ở thị trường quốc tế. Các trái Solo đều phát sinh
từ hoa lưỡng tính tự thụ phấn lấy, cỡ trái đều đặn, to vừa phải, hình quả lê
tây và mùi vị được ưa chuộng. Đu đủ Solo đã được phổ biến nhiều ở Phi Châu.
Trước đây có đem trồng ở Việt Nam.
Ở Việt Nam,
Solo có ruột màu cam. Hiện ở Hawaii còn có
giống Solo cải thiện gọi là giống “Solo trời mọc” (Sunrise Solo), có ruột màu
hồng lợt, nên du nhập trồng thử ở Việt Nam.
Vì có một di sản gen phức tạp, nên khó mà giữ cho đồng nhất một giống đu đủ có
đầy đủ các đặc tính của giống nguyên sinh. Nếu để đu đủ thụ phấn tự do sẽ không
lựa chọn được các cây đu đủ có loại hoa và loại trái nguyên dạng.
Áp dụng phương cách kiểm soát thụ phấn bằng tay như đã trình bày thì có thể duy
trì lâu năm giống đu đủ gần đúng nguồn gốc được.
Sâu bệnh trên cây đu đủ
Bệnh virus
- Bệnh khảm lá rất quan trọng ở Châu Mỹ. Lá khảm cong queo, ngọn không phát
triển nữa và tàn lá biến mất dần dần. Virus tập trung ở phần ngọn nên các chồi
cạnh có thể không bị hư hại. Bệnh truyền qua mắt tháp và vết chích của rầy mềm
Aphis spiraecola.
- Bệnh chùn ngọn (Bunchy top) do bọ nhảy Empoasca papayae (ve con) đực truyền
virus qua cây đu đủ. Cây sẽ lùn, hoa sẽ rụng khi có bệnh
- Bệnh virus đốm vòng (Ringspot) đã làm tiêu tan nhiều vườn đu đu ở Florida …
Lá còn bị lốm đốm vàng, méo mó, nhỏ hẳn đi. Trái cũng bị dấu đốm vòng.
Mới đây người ta có nghiên cứu virus đốm vòng này trên phương diện công nghệ
sinh học (biotechnology) để tìm giống kháng bệnh. Nhưng tựu trung vẫn chưa có
cách trị bệnh virus. Nhà vườn chỉ còn có cách là làm cho cây mọc mạnh, sản xuất
mau và nhiều trước khi cây nhiễm bệnh. Cây mọc mạnh, cao lớn thì dễ kháng bệnh
hơn và dù có nhiễm bệnh đi nữa cũng còn cho khá nhiều trái.
Bệnh mấm
- Bệnh đốm lá (Anthracnose, Colletotrichum gleosporiodes) thường là làm hư trái
non lúc trời mưa. Lá cũng có khi nhiễm bệnh. Có thể trị bằng cách xịt maneb
nồng độ 1/500, 10 ngày một lần. Nếu trời mưa và ẩm thấp thì phải xịt một tuần
một lần.
- Bệnh thối gốc hay thối rễ( do nấm Pythium và đôi khi cả nấm Fusarium và
Phytophthora). Phải xử lý vườn ương để sản xuất cây con không nhiễm bệnh. Nơi
nào đã có cây bệnh thì phải xử lý đất bằng Formol trước khi trồng lại.
- Nếu đôi khi thấy nấm trắng (Oidium spp.) trên lá hay trên thân thì có thể
dùng lưu huỳnh để trị bệnh.
Sâu bọ, tuyến trùn
Giòi của ruồi trái cây đu đủ (Toxotrypana curvicauda) ăn hột và ruột trong
trái. Trái bị hư phải đem ra xa và đốt bỏ. Còn có nhiều sâu bướm ăn lá đu đủ,
nếu thấy cần, xịt thuốc sát trùng thường lệ. Một vài tuyến trùng phá hại rễ đu
đủ, nhưng Meloidogyne Sp. hay phá hại liếp ương hơn cả.
Công dụng khác của đu đủ
Trái đu đủ non xắt nhỏ đã thấy bán nhiều như giá đậu nành hay giá đậu xanh ở
các siêu thị Trung Hoa hay Việt Nam,
ở các tiểu bang Mỹ có nhiều người Á Đông. Rễ đu đủ cũng ăn được như cọng rau
đắng. Sắc hoa đu đủ uống làm thuốc hạ nhiệt và bớt đau ngực. Phơi khô hoa đu đủ
và tán ra bột có thể pha thành thuốc trị sán lãi. Lá chứa chất alcaloid gọi là
carpaine thay thế được chất digitalin trị bệnh tim. Cuốn thịt quá cứng với lá
đu đủ làm thịt mềm đi nhiều. Chích lá hay trái thì mủ chảy ra và đông đặc nhanh
chóng. Mủ này chứa chất enzym mạnh là papain có đặc tính giống như pepsin làm
tan các chất “thịt” albuminoid. Ở Sri Lanka, người ta khai thác
papain bằng cách rạch dọc trái, ban sáng tinh sương với mảnh chai hay thẻ tre
nhọn. Tránh cho papain đụng nhằm tay hay kim khí, ngoại trừ nhôm (aluminium),
mỗi ngày mỗi trái cho 10g mủ chứa 12 - 15% chất khô. Một hecta đu đủ sản xuất
khá cho chừng 200 kg papain mỗi năm. Cần 2 kg mủ tươi để cho 0,5 kg papain khô.
Mủ tươi phải đem sấy khô ngay hoặc thêm một chút formol vào mủ tươi thì không
bị thối hay bị phân hoá.