A- Kỹ thuật chung:
Muốn chăn nuôi bò
thịt đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, cần quan tâm đến
những vấn đề cơ bản như : Giống, tuổi, giới tính, khối lượng lúc giết mổ,
dinh dưỡng và phương thức vỗ béo.
1. Giống :
Giống là một trong
những vấn đề quan trọng nhất. Giống khác nhau thì tốc độ sinh trưởng, phát
triển, tích lũy thịt, mỡ khác nhau: Con lai của bò Charolaise có tỷ lệ thịt
xẻ cao hơn con lai của bò Hereford và ngược lại, tổ chức mỡ của thịt bò
Charolaise thấp hơn thịt bò Hereford. Bò vàng Việt Nam có tỷ lệ thịt xẻ là
42%, tỷ lệ thịt tinh là 31%, trong khi đó bò thịt Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ
60%, tỷ lệ thịt tinh là 45%.
Hiện nay trên thế
giới nhiều giống bò có tỷ lệ thịt xẻ tới 70%, tỷ lệ thịt tinh trên 50%, giá
trị dinh dưỡng thịt rất cao và rất thơm, ngon. Ngoài các giống bò chuyên
thịt, ở các cơ sở chăn nuôi bò sữa, người ta cũng chọn lọc những bê đực khỏe
mạnh đưa vào nuôi dưỡng với một chế độ thích hợp để vỗ béo và giết mổ. Đây
cũng là những nguồn cung cấp sản phẩm thịt bò chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng
sản lượng thịt bò.
2. Tuổi :
Trong quy trình vỗ
béo và giết mổ, hiện nay người ta thường nuôi bò từ 16 – 24 tháng tuổi với
quy trình công nghệ cao để giết mổ.
Tuổi giết mổ khác
nhau thì chất lượng thịt cũng khác nhau: Bê và bò tơ cho thịt màu nhạt, ít
mỡ, thịt mềm và thơm ngon hơn. Bò lớn tuổi cho thịt màu đỏ, đậm, nhiều mỡ,
thịt dai hơn và tất nhiên là không thơm ngon bằng thịt bê tơ. Tỷ lệ các cơ
quan nội tạng sẽ giảm theo tuổi và ngược lại độ béo sẽ tăng dần lên.
3. Giới tính :
Thường thì bò cái
thớ thịt nhỏ hơn bò đực, mô giữa các cơ ít hơn, thịt vị đậm hơn, vỗ béo nhanh
hơn. Ngược lại bò đực có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn bò cái cùng độ tuổi vì bò cái
có cơ quan sinh dục phát triển hơn bò đực. Trong quy trình vỗ béo người ta có
thể thiến bò đực lúc 7 – 12 tháng tuổi để vỗ béo, nếu bò thiến sớm để vỗ béo
thì thịt bò sẽ mềm hơn và béo nhanh hơn.
4. Khối lượng lúc
giết mổ:
Khối lượng bò đưa
vào giết mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giống, khả năng tăng trọng, thời
điểm tích lũy nạc lớn nhất, chế độ nuôi dưỡng, hệ số tiêu tốn thức ăn, thị
trường và giá cả...
5. Dinh dưỡng và
phương thức vỗ béo:
Kỹ thuật chăn nuôi
thâm canh bò thịt hiện nay là chọn lọc những bê khỏe mạnh của các giống cao
sản chuyên thịt, đưa vào nuôi dưỡng với chế độ thâm canh cao để đạt được khối
lượng giết mổ cao nhất ở giai đoạn bê sinh trưởng với cường độ cao nhất (dưới
24 tháng tuổi). Các khẩu phần ăn khác nhau sẽ cho tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt
tinh khác nhau khi giết mổ.
Dù vỗ béo theo
phương thức nào, vỗ béo sớm hay vỗ béo muộn, đối với bò thịt trước khi giết
mổ bắt buộc phải có công đoạn vỗ béo. Vỗ béo là dùng biện pháp dinh dưỡng, chăm
sóc nuôi dưỡng làm cho khối lượng con vật tăng nhanh và phẩm chất thịt được
cải thiện. Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương thức vỗ béo, thức ăn, giống,
độ béo của bò. Thời gian vỗ béo quá ngắn thì thịt sẽ nhiều nước, thời gian vỗ
béo thích hợp thì chất lượng thịt sẽ cao hơn.
Khẩu phần thức ăn vỗ
béo cho bò giàu đạm và nhiều sắt thì thịt bò sẽ đỏ đậm, khẩu phần thức ăn có
nhiều bột bắp thì mỡ bò sẽ vàng, thịt thơm ngon và khẩu phần thức ăn có tỷ lệ
các phụ phẩm công nghiệp thì thịt bò có thớ lớn và nhiều mỡ giắt ( mỡ giữa
các lớp thịt ).
Điều cần chú ý khi
nuôi bò thịt
Trong vài năm gần
đây, ngành chăn nuôi ở tỉnh có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú
ý là việc phát triển đàn bò thịt chất lượng cao bằng giống bò lai Brahman đỏ.
Ngoài ưu thế về chi phí thức ăn thấp, sử dụng thúc ăn không cạnh tranh với
người, giải quyết công lao động nông nhàn. Nghề nuôi bò còn có một ưu thế
quan trọng là sản phẩm cuối cùng là bê và thịt có thị trường tiêu thụ ổn
định, giá cả bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu
quả đạt được cao nhất, người chăn nuôi cần biết những yếu tố cơ bản sau:
Đặc điểm sinh lý:
- Với bò đực: Tuổi
bắt đầu phối giống từ 24 - 26 tháng tuổi và thời gian sử dụng phối giống tốt
nhất là từ 2 - 6 năm tuổi.
- Đối với bò cái:
Tuổi thành thục sinh dục 18 - 24 tháng tuổi, chu kỳ động dục trung bình là 21
ngày, thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày và thời gian động dục trở lại sau
khi sinh con 60 - 70 ngày.
Chọn giống:
Chọn những con tốt,
thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển như nhau giống hình
trụ. Nên biết rõ nguồn gốc và tính năng sản xuất của bò bố mẹ.
Một số giống bò được
nuôi phổ biến tại Việt Nam:
- Giống bò nội: Bò
vàng Việt Nam (Bosindicus).
- Giống bò lai
ngoại: Con lai Zêbu (nhóm bò Zêbu gồm các giống: Redsindhi, Sahiwal, Brahman
đỏ, Brahman trắng, Ongole).
Chuồng trại
- Xây dựng nơi cao
ráo, thoáng mát và có màng lưới bao xung quanh chuồng để chống ruồi, muỗi và
các côn trùng khác xâm nhập (trong chăn nuôi hộ gia đình).
- Nền cứng, không
trơn trượt và có độ dốc để dễ thoát nước.
- Diện tích tối
thiểu : 3m2/con bò thịt.
- Máng ăn và máng
uống nên làm bằng xi măng đặt theo chiều dài hành lang phân phối thúc ăn.
- Cần có biện pháp
xử lý phân để hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh và lây lan cỏ dại.
Thức ăn:
- Nguồn thức ăn chủ
yếu của bò gồm các loại cỏ tươi, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô và củ,
quả...
- Ngoài ra nên sử
dụng, dự trữ các phụ phẩm nông, công nghiệp sẵn có tại địa phương để chế biến
thức ăn ủ chua hoặc kiềm hóa hoặc ủ với Urê và thức ăn tinh để chủ động trong
việc tìm thức ăn cho bò.
- Trong chăn nuôi bò
thịt, mỗi gia đình cần dành 500 - 1.000m2 đất để trồng các loại cỏ như cỏ
voi, VA06, cỏ sả, cây bình linh... để lấy thức ăn cho bò.
Chăm sóc, nuôi
dưỡng, vỗ béo:
- Bò cái chửa: Cần
cho ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở những tháng chửa cuối
cùng. Nhu cầu ăn mỗi ngày là: 25 - 40kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1 kg thức ăn tinh
và 20 - 30g muối.
- Bò cái nuôi con.
Ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để
bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.
- Bê con : Tập cho
bê con ăn cỏ khô từ tháng thứ 2, cỏ tươi và củ quả từ tháng thứ 4 và cai sữa
từ tháng thứ 6. Khi trời nắng ấm nên cho bê con vận động tự do. Nhu cầu ăn
mỗi ngày 5 - 10kg cỏ tươi, 0,2 - 0,3kg thức ăn tinh.
- Bê từ 6 - 24
tháng: Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ
2-4 giờ/ngày. Nhu cầu ăn một ngày: 10 - 30kg cỏ tươi và cho ăn thêm các thức
ăn tận dụng khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khô, cỏ ủ chua và củ quả
thay thế.
- Để có bò thịt đạt
khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250-300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ
béo bò trong khoảng 80-90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/
ngày.
Chú ý :
Muốn nuôi bò thịt có
hiệu quả kinh doanh cao, người chăn nuôi phải biết tận dụng khả năng tiêu hóa
thức ăn xanh thô của chúng. Cho bò ăn no, đủ cỏ tươi và các loại củ quả.
Trường hợp thiếu cỏ tươi có thể thay thế :
1kg cỏ khô = 4 - 5kg
cỏ tươi .
1kg cỏ ủ chua, 1kg
rơm ủ urê, 1 kg củ quả = 2kg cỏ tươi...
B. Kỹ thuật nuôi bò
thịt chất lượng cao:
Thời gian qua, Chi
cục Thú y tỉnh Đăk Nông đã triển khai Dự án cải tạo nâng cao chất lượng giống
bò thịt bằng giống bò Brahman đỏ tại huyện Cư Jut, Đăk Glong và huyện Tuy
Đức. Qua đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn triển khai dự án tại các huyện,
chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật chính trong chăn nuôi bò thịt chất
lượng cao để bà con nông dân tham khảo và áp dụng.
1. Chọn giống :
Để tạo bò lai hướng
thịt chất lượng cao cần phải chọn những con bò cái có 1/2, 1/3 hoặc 3/4 máu
các giống bò lai trong nhóm Zê bu như sind, Sahiwal, Brahman. Nên chọn những
con có trọng lượng từ 220 kg trở lên, khoẻ mạnh, không bệnh tật, có khả năng
sinh sản tốt (chọn ngoại hình) cho phối giống với bò trong nhóm Zê bu hoặc
các giống bò chuyên thịt như: Red Angus, Charolais, Limouse, Droumaster...
2. Chăm sóc nuôi
dưỡng bò mẹ và bê con :
a) Nuôi dưỡng bò mẹ
:
Cần phải đảm bảo đủ
nhu cầu dinh dưỡng cho bò mẹ nuôi thai và nuôi con ( tiết sữa cho con ).
Khẩu phần dinh dưỡng
cho 1 con mẹ sinh sản có trọng lượng cơ thể từ 220-250 kg tính như sau: Nếu
bò được chăn thả 7-8 giờ/ngày, lượng thức ăn thô xanh bổ sung tại chuồng từ
12-15 kg/con/ngày và rơm ủ với u rê 4% từ 2-3 kg /con/ngày. Đối với bò có
chửa, ngoài những thức ăn trên cần bổ sung 30-40gam bột xương, mỗi ngày bổ
sung cám gạo hoặc bột ngô từ 1,2-1,5 kg. Không bắt bò làm việc nặng như cày
bừa, kéo xe… Tránh xô đẩy, xua đuổi bò mạnh trong các tháng mang thai thứ ba,
thứ bảy, thứ tám và thứ chín.
b) Nuôi bê con :
Giai đoạn từ sơ sinh
đến 1 tháng tuổi : nên nuôi bê ở cạnh nhà. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa,
chỗ bê nằm phải khô, sạch. Cho bê bú trực tiếp sữa mẹ, chăn thả theo mẹ. Nên
thả bê ở bãi chăn gần chuồng. Khi bê được 1 tháng tuổi nên tập cho bê ăn cỏ
non, ăn thức ăn tinh.
Giai đoạn từ 6 tháng
tuổi - 24 tháng tuổi : nuôi vỗ béo cho bê. Thời gian vỗ béo cho bê là 75-90
ngày. Lượng thức ăn như sau: Nếu chăn thả 7-8 giờ/ngày, lượng bổ sung gồm
8-10 kg cỏ tươi tại chuồng, 1-2 kg thức ăn hỗn hợp, cho bò liếm tảng liếm tự
do. Cung cấp đầy đủ nước nhưng phải đảm bảo sạch, không có hoá chất độc hại.
Chú ý : Cần phải tẩy giun sán trước khi vỗ béo
bê. Cần phải tập cho bê ăn thức ăn hỗn hợp và tảng liếm mỗi bữa 1 ít để bêò
làm quen với thức ăn.
3. Về thức ăn :
Trong chăn nuôi bò
lượng thức ăn thô xanh chiếm từ 85-90% khẩu phần ăn hàng ngày, do đó các hộ
cần phải dành diện tích đất để trồng một số giống cỏ có năng suất chất lượng
cao như: Cỏ voi, Ghi nê, Ru zi, Sty lô, cỏ VA06… Cần có kế hoạch dự trữ các
loại rơm rạ, cỏ khô và các phụ phẩm nông nghiệp khác sẵn có tại địa phương để
làm thức ăn cho bò trong vụ đông xuân (mùa khô).
4. Phòng trừ một số
bệnh :
Thực hiện tốt lịch
tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng,… theo quy định của
ngành thú y đề ra. Định kỳ tẩy giun, sán ( sán lá gan, sán dạ cỏ, … ) cho bò
bằng các loại thuốc đặc hiệu dùng cho tẩy nội, ngoại ký sinh trùng và lưu ý
phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng đường máu cho bò.
5. Chuồng trại :
Chuồng trại chăn
nuôi bò thịt phải đảm bảo các yếu tố như sau :
- Đông ấm, hè mát,
nền chuồng không trơn trượt, diện tích từ 4-6 m2/con; thuận tiện cho việc
quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng. Chuồng có thể xây 1 dãy hoặc 2 dãy. Có thể
tận dụng các vật liệu sẵn có như tranh, tre, lá cọ… để làm chuồng nhằm hạ giá
thành. Cần phải xây dựng hầm biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời
có khí đốt để đun nấu và thắp sáng, mỗi gia đình nuôi 2-3 con bò xây 1 bể từ
5-7 m3 thì có thể sử dụng cho gia đình 5- 6 khẩu.
Trong chăn nuôi nói
chung, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nói riêng nếu các hộ thực hiện đúng,
đủ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp sẽ phát triển chăn nuôi bền vững và mang
lại hiệu quả cao.
Kính chúc bà con
nông dân chăn nuôi thành công./.
Ks. Đặng Viết Duân (Chi cục Thú Y tỉnh Đăk Nông)
sưu tầm và tổng hợp
|