Phần lớn nông dân Việt
Nam đều phải tiếp xúc với thuốc Bảo vệ thực vật để bảo vệ mùa màng, nông
sản…Tuy nhiên hầu hết các loại thuốc BVTV đều gây độc hại đối với sức khỏe con
người, có tác động xấu đến môi trường sống và hệ sinh thái.
1. Thuốc BVTV xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường như
qua da, qua miệng, qua hô hấp và gây ngộ độc đến tính mạng con người :
- Con đường qua da: Thuốc thâm nhập qua da, đây là con đường xâm nhập phổ biến nhất.
+ Sử dụng thuốc có bao bì không an toàn như bể, rách làm thuốc bị rơi ra hoặc
rò rĩ.
+ Không tuân thủ đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc. Khi pha chế
thuốc, phun thuốc không cẩn thận làm thuốc bắn vào người hoặc chạm vào lá cây
khi phun thuốc hoặc mặc đồ lao động có dính thuốc BVTV.
- Con đường qua miệng và hô hấp: Thuốc xâm nhập qua đường miệng thường gây ngộ độc rất nặng.
+ Xảy ra bất ngờ do thuốc bắn vào miệng.
+ Ăn uống hoặc hút thuốc
bằng tay có dính thuốc.
Để chung thức ăn, nước
uống với thuốc trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ, đựng thuốc trong chai
nước uống hoặc đồ đựng thức ăn (dễ bị dính thuốc vào thức ăn hoặc nhầm lẫn).
+ Ăn phải thực phẩm có thuốc hoặc nông sản có dư lượng thuốc vượt mức cho phép.
+ Uống nước ở các ao hồ hoặc nguồn nước bị nhiễm thuốc BVTV.
+ Khi sử dụng thuốc có
đặc điểm bay hơi, thuốc dạng bột chúng ta có thể bị hít phải thuốc khi đang
phun hoặc hít phải khói thuốc khi đốt hay tiêu huỷ bao bì.
(ảnh minh họa -
sưu tầm)
2. Thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái:
Các dạng thuốc BVTV phun ra chỉ được cây trồng hấp thụ một phần, còn một phần
được giữ lại trong đất, nước và phân giải dần dưới tác động của các yếu tố môi
trường. Thuốc bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loài động
vật sống dưới nước. Vì vậy cần tránh phun rải thuốc khi trời có mưa to, tránh
sử dụng những loại thuốc có độ độc cao đối với những loài thủy sinh.
Thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường do bị rò rỉ trong quá trình vận chuyển, cất
giữ, sử dụng, do việc tiêu hủy, xử lý các chất thải thuốc BVTV không đảm bảo an
toàn; do việc rửa các thiết bị, dụng cụ có dính thuốc bừa bãi ở mọi nơi; do sử
dụng thuốc quá liều và phun thuốc trong khi có gió to hoặc dùng thuốc ở sát
ngay những khu vực nhạy cảm như nguồn nước sinh hoạt, nơi đông dân cư.
3. Hướng khắc phục hạn chế tối đa tác hại của thuốc BVTV đối với
con người và môi trường:
- Tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc “ 4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV:
+ Dùng đúng thuốc:
Mỗi loại thuốc có một phạm vi tác dụng nhất
định. Vì vậy, để xác định được loại thuốc cần dùng, trước hết chúng ta cần biết
được cây trồng đang bị đối tượng nào gây hại ( nấm, vi khuẩn, côn
trùng….), gây hại ở bộ phận nào của cây và mức độ gây hại ra sao. Khi
chọn được chủng loại thuốc, cần phải chú ý chọn loại thuốc nào có độ độc thấp
(dựa vào màu chỉ thị độ độc và kí hiệu trên bao bì), thuốc mau phân hủy và an
toàn với người, cây trồng, thiên địch.
Không sử dụng
thuốc không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng.
Không sử dụng thuốc cấm, thuốc có độ độc cao.
Thực hiện đúng các quy
định đối với thuốc hạn chế sử dụng.
+ Dùng đúng liều lượng và nồng độ:
Liều lượng là lượng nước
và thuốc cần dùng trên một đơn vị diên tích (……lit, kg/ha) và nồng độ là độ pha
loãng của thuốc trong nứơc để phun.
Nếu dùng nồng độ,
liều lượng quá cao thì dịch hại chết nhanh nhưng tốn kém, ảnh hưởng đến
môi trường và gây ngộ độc cho người sử dụng. Ngược lại nếu dùng nồng độ, liều
lượng quá thấp so với khuyến cáo sẽ không diệt được dịch hại mà còn nhanh
chóng gây quen thuốc.
Do vậy, cần tuân thủ theo đúng liều lượng và nồng độ quy định trên nhãn thuốc
để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, hiệu quả phòng
trừ sẽ cao.
+ Dùng đúng lúc:
Tức là sử dụng thuốc khi
sinh vật hại phát triển tới mức cần phòng trừ, khi sâu còn nhỏ, bệnh mới chớm
phát. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết, tức là ở thời điểm đó nếu không
phun thuốc thì khả năng sâu bệnh, cỏ dại sẽ làm thất thoát đến năng suất.
Nên phun thuốc vào chiều
mát hoặc sáng sớm khi khô sương. Không nên phun thuốc khi sâu bệnh quá ít, mật
độ thiên địch cao. Không phun thuốc khi trời nắng gắt, sắp có mưa, khi cây ra
hoa hoặc gần ngày thu hoạch. Cần giữ đúng thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc
để đảm bảo an toàn khi sử dụng nông sản.
+ Dùng đúng cách:
Cần pha chế thuốc đúng
hướng dẫn theo dạng chế phẩm: Thuốc dạng hạt dùng để rải không hòa vào
nước để phun. Thuốc dạng lỏng, dạng bột hòa nước thì dùng pha vào nước để phun.
Thuốc dạng bột rắc dùng để phun lên cây, lên đất hay trộn với hạt giống.
Cần phun rải đều và đúng
vào vị trí sinh vật tập trung gây hại. Không phun ngược chiều gió. Khi
trộn hỗn hợp các loại thuốc cần chú ý theo qui định trên nhãn thuốc, giữ đúng
nồng độ mỗi loại thuốc và không hỗn hợp thuốc cùng nhóm hoặc không được phép
hỗn hợp với thuốc có tính kiềm mạnh. Có thể pha thêm các loại chế phẩm bám dính
khi cần thiết.
Cần luân phiên thay đổi
loại thuốc khác nhóm giữa các lần phun để ngăn ngừa tính kháng thuốc của sinh
vật hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc BVTV . Tuân thủ bảo hộ lao động
trong khi phun thuốc.
- Khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình
canh tác theo hướng an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
- Liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa
học, doanh nghiệp và nông dân, từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản, có
quy trình truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho từng loại sản phẩm làm ra.
- Có các chế tài nặng đối với các hành vi trong sản xuất,
kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV bị cấm sử dụng, sử dụng không đúng quy trình
…gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.