1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu
Phân tích thành phần dinh dưỡng trong các bộ phận của cây là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng.
Năm 1960, De Waard và Sutton phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong cây tiêu trưởng thành giống Kuching đã cho thấy lượng dinh dưỡng lấy ra khỏi đất tính trên 1ha là 252 kg N, 32 kg P2O5 và 224 kg K2O.
Năm 2000, Sadanandan khi nghiên cứu trên giống Panniyur 1, là giống tiêu lai của Ấn Độ, cũng cho thấy tổng lượng N và K ở các bộ phận của cây tiêu đều rất cao so với lân. Lượng N, P, K lấy đi từ 1 ha đất trồng tiêu ở năm thứ 8 là 292 kg N, 56 kg P (tương đương 24 kg P2O5) và 405 kg K (tương đương 336 kg K2O). Kết quả của Sadanandan cho thấy cây tiêu có nhu cầu kali cao hơn N trong khi đó De Waard lại cho rằng cây tiêu có nhu cầu N cao hơn kali.
Bảng 1. Lượng dinh dưỡng một cây tiêu 8 tuổi lấy đi từ đất (kg/ha)
Bộ phận |
Khối lượng khô |
N |
P |
K |
Thân Lá Rễ Quả |
6,0 6,0 2,5 1,0 |
43,8 151,8 72,3 24,2 |
13,7 28,9 9,2 4,6 |
100,8 195,6 76,0 32,3 |
Tổng cộng |
15,5 |
292 |
56 |
405 |
* Nguồn: Sadanandan, 2000
Qua các số liệu trên có thể thấy được rằng đối với cây tiêu thì nhu cầu về N và K rất cao và nhu cầu về lân không nhiều. Ca và Mg cũng là các yếu tố dinh dưỡng cây tiêu cần với lượng khá lớn, còn cao hơn cả lân.
2. Một số triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây hồ tiêu
Thiếu đạm:
Hiện tượng thiếu đạm trên cây tiêu thể hiện cây sinh trưởng chậm lại, ít ra cành, chồi, lá trở nên xanh nhạt và vàng. Trước tiên các lá ở dưới thấp hóa vàng nhạt nhưng lá ở tầng trên của trụ tiêu vẫn còn giữ được màu xanh tương đối. Khi cây bị thiếu đạm nặng nề, toàn bộ lá của trụ tiêu có màu vàng tới màu vàng đậm đặc trưng và đầu ngọn lá bị khô chết. Lá rụng trong trường hợp cây bị ảnh hưởng thiếu đạm nghiêm trọng.
Tuy cây tiêu rất cần đạm, nhưng bón đạm nhiều quá, cây sẽ ra nhiều lá mà ít ra hoa, quả, cây dễ bị lốp giảm khả năng chống đỡ với sâu bệnh, gió bão. Đạm dư thừa cũng làm kéo dài thời gian chín, không thu hoạch được tập trung và làm giảm phẩm chất hồ tiêu thương phẩm.
Thiếu lân
Triệu chứng thiếu lân rõ ràng ít khi xuất hiện và rất khó nhận biết trên các vườn tiêu. Trong trường hợp nghiêm trọng thể hiện ở sự sinh trưởng còi cọc của cây. Điều này không rõ lắm ở đỉnh sinh trưởng các dây thân, nhưng các cành ngang bị ảnh hưởng nặng nề hơn và cây rất ít ra cành ngang thứ cấp. Phiến lá của các lá trưởng thành trở nên xanh xám đục, chuyển sang màu đồng, dày cứng và thỉnh thoảng có các đốm chết ở đầu lá, sau đó lá bị rụng.
Thiếu kali
Triệu chứng thiếu kali có thể nhận biết được ở các lá trưởng thành. Mép đầu lá chuyển vàng và xuất hiện các đốm chết hoại màu xám, giòn. Vết hoại chết thường có hình chữ V ở mép đầu lá. Đây là hiện tượng “cháy đầu ngọn lá”
Thiếu trung vi lượng
Ngoài các nguyên tố đạm, lân, kali cây tiêu cũng cần một số các nguyên tố trung vi lượng khác như canxi, ma nhê, lưu huỳnh, kẽm, bore, molipden...
Canxi (Ca) ảnh hưởng tốt tới môi trường đất, làm đất bớt chua, tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật hữu ích trong đất. Canxi có ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của đọt cây, rễ cây, sự cấu tạo của hoa và di chuyển chất khô từ thân lá qua trái tiêu.
Hiện tượng thiếu canxi thấy được trên các lá đã thành thục, phần dưới trụ tiêu thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn phần tán phía trên cao. Trên lá xuất hiện các vệt úa vàng từ một bên hay cả 2 bên phiến lá gần phía cuống lá hoặc ở đoạn giữa lá. Các vệt úa vàng này đi dần vào phía trong gân chính, tiếp theo sau đó là sự hoại tử. các vết hoại tử rất nhỏ có thể xuất hiện rải rác giữa các gân lá, ở mặt trên hay mặt dưới lá. Lá rụng rước khi các vết hoại tử này phát triển mạnh.
Ma nhê (Mg) cũng là một yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây tiêu. Hiện tượng thiếu ma nhê xuất hiện trước tiên trên các lá già và phát triển dần lên các lá non hơn. Thiếu ma nhê, phiến lá trở nên úa vàng trong khi các gân chính vẫn xanh. Vệt vàng thường xuất hiện từ trung tâm của một nửa đầu phiến lá rồi lan dần ra mép lá và phía cuống lá. Vùng phiến lá gần cuống lá thường vẫn giữ được màu xanh. Thiếu nặng lá rụng đồng loạt, trên cây còn các cành trơ trụi và một ít lá non hơn không bị ảnh hưởng.
Lưu huỳnh (S) là yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Đến nay lưu huỳnh được nhiều nhà nông học xem là yếu tố dinh dưỡng quan trọng thứ tư sau N,P,K. Thiếu lưu huỳnh ảnh hưởng đến sự tổng hợp protein, gây ra giảm diệp lục tố, làm các lá non có màu trắng. Lưu huỳnh làm chậm hoặc ngăn cản sự ra hoa và do đó làm giảm năng suất cây trồng.
Trong số các chất vi lượng thì kẽm (Zn), Molipden (Mo), Bore (Bo) là các chất quan trọng nhất đối với cây tiêu. Hiện tượng thiếu các chất vi lượng này thường rất khó phát hiện trên cây hồ tiêu, tuy vậy việc bón bổ sung chất vi lượng hoặc phun vi lượng qua lá đều làm tăng năng suất hồ tiêu.