Vườn thanh long sắp thu hoạch sản phẩm của ông Võ Văn Nhàn, xã viên HTX DVNN Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng.
Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bưng Riềng, cây thanh long được người dân đưa vào canh tác trên địa bàn xã gần 10 năm theo hình thức tự phát. Do thu nhập từ cây thanh long khá hơn nhiều loại cây trồng khác, nên khoảng hơn 3 năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây thanh long, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tại, diện tích cây thanh long trên địa bàn xã phát triển hơn 100ha, trong đó giống thanh long ruột đỏ được thị trường ưa chuộng chiếm khoảng 35ha.
Ông Thiết hướng dẫn chúng tôi đến ấp 1 và ấp 2 của xã, khu vực có diện tích thanh long trồng tập trung nhất thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh. Ông Trần Quang Hải, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, HTX hiện có 29 xã viên, canh tác gần 28ha thanh long, trong đó có hơn 5ha thanh long ruột đỏ. Hầu hết xã viên đều nắm vững kỹ thuật trồng thanh long theo chuẩn VietGAP, nhờ được tham gia lớp tập huấn do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức và truyền thụ kinh nghiệm, HTX hỗ trợ xã viên về nguồn cung ứng vật tư, phân bón phục vụ canh tác. So với địa phương trồng thanh long nổi tiếng cả nước là Bình Thuận, chất đất ở Bưng Riềng có độ pH cao hơn, nên cây thanh long nơi đây phát triển rất tốt. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, thanh long cho trái 3-4 vụ/năm, trái rất to nặng từ 500gr - 700gr/trái, sản lượng đạt 40 - 50 tấn/ha. Thanh long ruột đỏ của xã Bưng Riềng đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đưa đi tham gia triển lãm tại hội chợ nông nghiệp quốc tế ở Hà Nội năm 2014, sản phẩm được ban tổ chức và khách tham quan đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.
Len lỏi qua nhiều khu vườn thanh long đang thời kỳ ra hoa, ông Hải đưa chúng tôi đến vườn của ông Vũ Văn Nhàn, xã viên HTX Hưng Thịnh. Vườn cây của ông Nhàn sắp thu hoạch, những trái thanh long ửng đỏ, nổi bật trên thân lá xanh. Ông Nhàn cho hay, từ khi bắt đầu trồng đến lúc cho vụ trái đầu tiên khoảng 18 tháng, chi phí cho mỗi kg sản phẩm khoảng 6 ngàn đồng, với giá bán tại vườn bình quân thanh long ruột trắng 20 - 25 ngàn đồng/kg, ruột đỏ 30 - 35 ngàn đồng/kg, loại cây ăn quả này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.
Điều băn khoăn hiện nay của chính quyền địa phương và người trồng thanh long ở Bưng Riềng là cần phải gia tăng giá trị hơn nữa cho cây thanh long. Bởi, sản phẩm sau thu hoạch chưa được sơ chế, đóng gói bảo quản, hoặc chiếu xạ nếu muốn xuất khẩu để bán với giá cao hơn. Ông Trần Quang Hải cho biết, hiện tại, thương lái thu mua thanh long ở Bưng Riềng đều phải đưa ra Bình Thuận, hoặc về Long An để xử lý sản phẩm và bán ra với giá phổ biến 40 ngàn đồng/kg thanh long ruột trắng, 50 ngàn đồng/kg thanh long ruột đỏ.
Vừa qua, được UBND xã khuyến khích, động viên, HTX đã liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Sở NN-PTNT tỉnh, đề nghị được tư vấn lập đề án, tài trợ một phần chi phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nếu triển khai thực hiện thành công đề án này, sẽ nâng cao giá trị thương phẩm cho sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế cho người trồng thanh long ở xã Bưng Riềng. Ngoài ra, HTX Hưng Thịnh cũng có thể làm dịch vụ sơ chế, bảo quản thanh long sau thu hoạch cho bà con canh tác loại cây ăn quả này ở các xã khác trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.