Từ trước đến nay, cây điều được đối xử như “con ghẻ”, vì cho rằng nó là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, trên diện tích đất không chủ động nguồn nước trong mùa khô, chúng ta khó tìm được loại cây trồng nào thay thế cây điều. Vì vậy, nâng cao hiệu quả từ việc trồng điều là cần thiết.
Vụ điều năm 2014-2015 có nhiều hộ gia đình cho kết quả rất khá từ cây điều. Nếu hộ nào có vườn điều giống tốt, tỉa cành sau khi thu hoạch, bón phân 2 lần/năm, có sử dụng vài lần thuốc bảo vệ thực vật, mặc dù không có nước tưới nhưng điều vẫn cho thu nhập từ 80-88 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí đầu tư chỉ bỏ ra khoảng 10-15 triệu đồng, người nông dân còn lãi ròng 70-75 triệu đồng/ha. Trên thực tế trong các vườn điều, có nhiều cây đạt 25-30 kg/cây, thậm chí có cây thu 60 kg/cây, nếu trồng mật độ 200 cây/ha, năng suất cây điều có thể đạt 5-7 tấn/ha.
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích cây điều tỉnh Đồng Nai hiện nay có 52.520 ha, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 1,05 tấn/ha. Mặc dù trên thực tế có nhiều vườn điều đã đạt năng suất >3 tấn/ha, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều vườn điều năng suất rất thấp, vì vậy năng suất bình quân không cao.
Nguồn nước ngầm trong tự nhiên là có giới hạn. Trên diện tích đất không chủ động nguồn nước trong mùa khô, ngoài cây rừng và cây điều, chúng ta khó tìm được loại cây trồng nào thay thế. Vì vậy, nâng cao hiệu quả từ việc trồng điều là cần thiết.
Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật người trồng điều cần thực hiện để nâng cao hiệu quả trồng điều:
1/ Toàn bộ vườn điều cần trồng giống ưu tú.
2/ Vườn điều sau khi thu hoạch phải được tỉa cành thông thoáng.
3/ Bón phân 2 lần: Lần 1 bón sau khi tỉa cành; lần 2 bón khi bắt đầu phân hóa mầm hoa
4/ Phun (xịt) thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trị bọ xít muỗi, xén tóc, bệnh thán thư, nấm hồng…
Nếu hiện tại vườn điều đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng năng suất thấp (<1,5 tấn/ha), chủ hộ cần xem lại nguyên nhân năng suất thấp là do giống hay do kỹ thuật chăm sóc. Có thể trong vườn chỉ có một số cây cho năng suất, còn một số cây cho trái nhỏ hoặc luôn cho ít trái, trong trường hợp này bà con nông dân nên cải tạo lại tùy theo tình trạng mỗi vườn. Có 2 cách khắc phục tình trạng này:
1/ Với vườn điều trên 10 tuổi: Phá 50% diện tích để trồng thẳng hạt xuống vườn, sau đó chọn cây mẹ là cá thể ưu tú trong vườn để ghép. Sau khi phần diện tích này cho thu hoạch, thực hiện tiếp phần còn lại. Với phương pháp này, nông dân không ngưng thu hoạch.
2/ Với vườn điều <10 tuổi: Cắt cành tạo tán vườn điều (chỉ nên cắt 3/4 số cành) sau đó để cho điều ra chồi mới rồi ghép chồi của cây ưu tú vào. Với biện pháp này, chỉ sau 18 tháng là cây điều cho thu hoạch, người nông dân chỉ ngưng thu hoạch 1 năm. Nếu muốn có sản phẩm thu liên tục có thể áp dụng phương pháp cải tạo cuốn chiếu. Để chọn được cây điều ưu tú và biết phương pháp ghép, xin liên hệ với cán bộ kỹ thuật các trạm khuyến nông huyện để được hướng dẫn chi tiết.