Hiện tượng gia súc sa ruột (hernia), có 2 dạng: sa ruột cuống rốn và sa ruột bẹn. Nếu bọc ruột sa quá lớn thì phải can thiệp để bằng mọi cách đưa ruột vào vị trí xoang bụng. Hiện tượng sa ruột có ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá của gia súc, làm gia súc chậm lớn.
Hiện nay, ngoài phương pháp giải phẫu dùng dao mổ rạch lớp da bao hernia bên ngoài, đẩy ruột vào trong, rồi sau đó khâu kín lại, còn có phương pháp can thiệp nhưng không gây chảy máu, đơn giản hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn và có thể không dùng kháng sinh, vì ít có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Trình tự tiến hành can thiệp lợn bị hernia bằng phương pháp không chảy máu như sau:
Cho lợn nhịn đói 6-12 giờ trước khi phẫu thuật. Nên can thiệp khi lợn còn nhỏ (2-3 tháng tuổi).
Dụng cụ: 1 kim khâu, 1 kẹp cầm kim, chỉ may, kéo, cồn sát trùng, ống chích, thuốc Novocain.
Đặt lợn nằm ngửa, giữ chặt cho lợn không giãy. Dùng thuốc tê Novocain phong bế xung quanh lỗ hernia. Dùng tay nắn nhẹ đưa những chất trong bao hernia trở vào xoang bụng. Dùng 2 ngón của tay trái đặt vào lỗ hernia không cho ruột trở ra ngoài bao hernia. Sau đó, dùng kim cong đâm qua da và xuyên thủng bao hernia ngay phần cổ bao. Đầu ngón tay trái đặt ở lỗ hernia kết hợp điều chỉnh kim khâu sao cho không chạm vào ruột và cách mép ngoài lỗ hernia 0,5cm, đưa mũi kim lên là đã được mũi khâu 1; tiếp tục như vậy với mũi khâu 2, 3... vòng quanh cổ bao hernia, sau khi đã khâu giáp mí, kéo 2 đầu sợi dây chỉ siết chặt lại và buộc nút chết. Như vậy, lỗ hernia được khép kín (nếu lỗ hernia nhỏ chỉ cần 2 mũi khâu).
Sau khi khâu khoảng 3-4 ngày, chỗ khâu có phản ứng viêm nhưng nhẹ và nếu lợn ăn uống bình thường thì không dùng kháng sinh. Đến ngày thứ 5 hernia bắt đầu co lại và ngày thứ 10 có thể cắt chỉ.
Phương pháp này không sử dụng được trong những trường hợp: hernia bẹn, lỗ hernia quá lớn; khi lỗ hernia nhỏ, ruột đã bị viêm dính.