Thách thức trong cuộc chiến chống ung thư phổi
18/04/2016

Từ phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, giới y học đã tiến đến sử dụng liệu pháp kháng sinh mạch - một phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai sau ung thư gan ở cả hai giới nam và nữ. Ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 ca. Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ rệt nên đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn với tỷ lệ tử vong cao.

Tiến sĩ Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư phổi hiện là một trong những loại ung thư hàng đầu về số ca mắc mới và tử vong hàng năm. Ung thư phổi được chia thành hai nhóm lớn là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tuy chỉ chiếm khoảng 20% nhưng là loại rất ác tính, diễn tiến nhanh, di căn xa, nhiều và di căn sớm. Do vậy phương pháp điều trị chủ yếu là hoá trị.

80% ung thư phổi còn lại là các loại có những đặc điểm mô học khác nhau như ung thư phổi tế bào vảy, ung thư phổi biểu mô tuyến, ung thư phổi tế bào lớn. Nhìn chung các loại ung thư này thường có diễn tiến tương đối chậm, tuần tự, khu trú tại chỗ, tại vùng nên có thể áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau như phẫu trị, xạ trị, hoá trị cũng như liệu pháp điều trị nhắm trúng đích.

Theo tiến sĩ Vũ, trước đây y học điều trị ung thư bằng những biện pháp quy ước, nghĩa là khối u ở đâu thì mổ cắt khối u ở đó. Khoảng 20 năm gần đây, trường hợp ung thư lan tràn quá nhiều, gọi tắt là giai đoạn tiến xa hoặc di căn thì áp dụng biện pháp điều trị toàn thân. Trong một thời gian dài người ta có những loại thuốc dựa trên một loạt các cơ chế tác động gây độc trực tiếp lên tế bào. Đó chính là liệu pháp hoá trị gây độc tế bào.

Tiến thêm một bước, dựa vào sự hiểu biết về bệnh học phân tử, hiểu cặn kẽ những biến đổi xảy ra ở mức độ phân tử, làm cho một tế bào bình thường phát triển thành một tế bào ung thư và việc điều trị sẽ chỉ nhắm vào phân tử biến đổi đó. Phân tử này được gọi là đích phân tử và liệu pháp điều trị này gọi là liệu pháp điều trị nhắm trúng đích. Liệu pháp nhắm trúng đích đã mở ra một kỷ nguyên hứa hẹn trong điều trị ung thư nói chung và trong đó có ung thư phổi.

Gần đây, đối với loại ung thư phổi không tế bào nhỏ người ta đã biết một số điều và có một số khám phá nổi bật. Thứ nhất là hiện tượng tăng sinh mạch ở các khối u. Tất cả tế bào cũng như các sinh vật muốn sống, muốn tồn tại và phát triển đều cần phải có nguồn nuôi dưỡng. Tế bào ung thư được nuôi dưỡng qua hiện tượng thẩm thấu để hấp thu oxy và các chất dinh dưỡng như đường, đạm, mỡ… thông qua con đường chuyên chở là các mạch máu. Cho nên một trong các đích điều trị là sự sinh mạch máu của khối u. Thay vì cắt khối u đi, thay vì chiếu xạ hay đánh thuốc độc tế bào khối u bằng các tác nhân hóa trị gây độc tế bào thì có thể áp dụng các biện pháp điều trị nhằm khống chế, ngăn chặn, kiểm soát không cho khối  u tiếp tục được nuôi dưỡng bằng cách ức chế sự sinh mạch của khối u. Từ đó ức chế sự tăng trưởng, phát triển và di căn của khối u.

Thứ hai, sự tăng trưởng khối u phải nhờ các mệnh lệnh tăng trưởng, hay chính xác gọi là tín hiệu tăng trưởng. Hiện nay người ta đã biết rằng tế bào ung thư trên một số đối tượng bệnh nhân nào đó, như là ung thư phổi biểu mô tuyến hay ung thư phổi trên người  không hút  thuốc thì có liên quan đến đột biến của một phân tử hay gen di truyền, làm phát sinh quá mức các tín hiệu gây tăng trưởng, đưa đến sự tăng sinh và phát triển của các tế bào ung thư. Dựa vào đó, người ta có thể dùng thuốc để ngăn chặn con đường tín hiệu gây tăng trưởng quá mức này để ức chế sự tăng sinh, phát triển của các tế bào ung thư.

Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh, một trong những điều mà người ta hay ngộ nhận là điều trị hóa chất làm xấu đi chất lượng sống của bệnh nhân. Thực ra là chất lượng sống của bệnh nhân thường không thể tăng nếu bạn không kiểm soát được sự tăng trưởng của khối u. Vậy khi một liệu pháp điều trị ung thư nào đó có hiệu quả, tức là liệu pháp này làm cho khối u thu nhỏ nhanh hơn, nhiều hơn và thời gian dài hơn, giúp bệnh nhân được hưởng lợi và giảm triệu chứng bệnh. Đối với ung thư phổi thì bệnh nhân sẽ đỡ bị khó thở, giảm đau ngực, giảm ho ra máu, giảm sốt, ăn được và tổng trạng bệnh nhân đỡ hơn. Tác dụng phụ của hoá trị kết hợp liệu pháp kháng sinh mạch không nhiều hơn hoá trị đơn thuần.

"Tất cả các điều trước kia người ta làm là chỉ chăm chú đến chuyện bệnh nhân sống thêm được bao nhiêu ngày, sống ổn định hoàn toàn hay là sống vẫn còn có bệnh, sau này người ta có khái niệm khác hơn, đó là bệnh nhân sống những ngày tốt đẹp không có các triệu chứng. Đó chính là khái niệm chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư", tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Ung thư giai đoạn sớm, ung thư mới phát thường không có bất cứ triệu chứng gì. Nhiều  người nghĩ rằng khi nào ho, đau ngực, ho ra máu, nổi hạch mới khám. Tất cả là ở giai đoạn bệnh đã có biểu hiện lâm sàng. Hiện nay y học đã biết rõ khối u phát triển từ một ít tế bào, có rối loạn, có đột biến gen và phát triển từ từ. Do đó có thể tập trung phát hiện được khối u ở giai đoạn sớm, giúp việc điều trị khối u hiệu quả hơn. Cụ thể với ung thư phổi phát hiện những tổn thương còn bé thì có thể mổ điều trị triệt để được.

Khoảng vài năm nay, phương pháp tầm soát hiệu quả là chụp CT cắt lớp hàng năm cho các đối tượng có nguy cơ cao. Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ khuyến cáo ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Người hút thuốc càng sớm, càng lâu thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Người bỏ hút sau 15 năm thì nguy cơ gần như người bình  thường. Những người đã và đang hút thuốc lá cần phải tầm soát hàng năm. Tại Việt Nam, do chương trình tầm soát cộng đồng vẫn chưa được triển khai nên biện pháp phòng ngừa căn bản và lâu dài là phòng chống tác hại của hút thuốc lá.

 


Số lượt đọc: 3946 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác