VƯỚNG QUY ĐỊNH TUYỂN DỤNG BIÊN CHẾ
Theo quy định, các địa phương chỉ được tuyển giáo viên biên chế khi xây dựng thêm trường mới. Ngặt nỗi, số trường học xây mới ở các địa phương không nhiều, trong khi các trường vẫn phải mở rộng quy mô (nâng cấp, cải tạo, tăng số lớp) vì số HS ra lớp không ngừng tăng.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, các trường tạm thời phải tuyển giáo viên theo dạng hợp đồng. Điều này gây ra khá nhiều khó khăn cho các nhà trường vì kinh phí trả lương cho giáo viên được lấy từ kinh phí hoạt động của trường. Nguồn kinh phí này khá hạn hẹp, không đủ trang trải về lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đất Đỏ cho biết, kinh phí hoạt động của các trường vốn đã eo hẹp vì phải chi cho nhiều hoạt động, lại phải “gánh” tiền lương cho giáo viên hợp đồng nên rất chật vật. Khó khăn nhất là bậc học mầm non, do quy mô học sinh ra lớp không ngừng tăng, hàng năm hầu hết các trường đều phải tăng nhóm lớp. Cũng theo bà Hồng, trong bối cảnh các nhà trường khó khăn như vậy thì huyện Đất Đỏ vẫn còn 58 chỉ tiêu giáo viên biên chế nhưng không thể tuyển được.
Tương tự, tại huyện Châu Đức cũng còn 59 chỉ tiêu biên chế chưa được tuyển dụng. Theo Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức, năm học này các trường học trên địa bàn huyện đang cần thêm khoảng 12 giáo viên tiếng Anh để dạy cho khối lớp 3-5 theo đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, các trường TH trên địa bàn huyện chủ động ký hợp đồng ngoài biên chế với giáo viên.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong định mức 1.183 chỉ tiêu biên chế, ngành GD-ĐT đã có kế hoạch tuyển dụng năm học mới (2016-2017) là 601 biên chế. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không đủ điều kiện để tuyển biên chế, nhiều nhất là TP.Vũng Tàu (còn 292 chỉ tiêu biên chế giáo viên chưa được tuyển dụng), kế đến là TP.Bà Rịa (173 biên chế), Xuyên Mộc (166 biên chế)... Đây cũng là những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất.
Một giờ học tại trường Mầm non Châu Thành TP.Vũng Tàu.
CẢN TRỞ CHƯƠNG TRÌNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
Những năm gần đây, ngành GD-ĐT đang thực hiện nhiều chương trình đổi mới giáo dục như tăng cường dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, phổ cập mầm non 5 tuổi, dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông... Các chương trình này đòi hỏi phải bổ sung thêm giáo viên khá nhiều. Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu dẫn chứng: “TP.Vũng Tàu đang thực hiện tăng số trường dạy 2 buổi/ngày, và tăng lớp bán trú. Khi một trường chuyển từ dạy 1 buổi sang 2 buổi/ngày, phải tăng thêm từ 1,2 lên 1,5 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT”. Với quy định tuyển dụng biên chế giáo viên như hiện nay, rõ ràng các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đất Đỏ cho rằng, quy định chỉ cho tuyển dụng biên chế khi có trường mới là một ràng buộc quá khắt khe. Thực tế, để xây mới một trường mất rất nhiều thời gian, trong khi quy mô HS ra lớp tăng theo từng năm học. Nếu cứ tiếp tục “khóa” biên chế giáo viên vì những quy định hiện hành, trong khi nhóm lớp không ngừng tăng thì việc các trường học thiếu giáo viên là đương nhiên.
Không chỉ vướng mắc ở khâu tuyển dụng mới, các địa phương trong tỉnh cũng rất lúng túng khi thực hiện việc luân chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Khó khăn này là do từ tháng 3-2016, việc luân chuyển giáo viên phải thực hiện theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP, giáo viên khi được chuyển sang trường khác phải làm đơn và dự thi tuyển dụng đặc cách viên chức. Nếu trúng tuyển, GV phải chấm dứt hợp đồng tại đơn vị cũ, giải quyết chế độ thôi việc và đến đơn vị mới ký hợp đồng làm việc theo mức lương hiện hưởng. Với quy trình như vậy, rất khó để giáo viên đồng thuận thuyên chuyển sang trường khác.
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với ngành GD-ĐT mới đây, đại diện các sở, ngành đều cho rằng, trước hết cần rà soát, thống kê lại thực trạng thừa- thiếu giáo viên trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đơn vị có liên quan sẽ thống nhất phương án giải quyết, đề xuất Bộ GD-ĐT và tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho các địa phương, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng cho việc luân chuyển, điều hòa chất lượng giáo viên giữa các trường trong tỉnh.
Tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các ngành, các cấp khi rà soát thực trạng nhu cầu GV của ngành GD-ĐT, cần xem xét các yếu tố làm gia tăng quy mô nhóm lớp như hiện nay, không loại trừ trường hợp tập trung gia tăng ở các trường “điểm”, đặc biệt là khu vực TP.Vũng Tàu. Nếu quy mô nhóm lớp trên cùng một địa bàn tăng quá nhiều thì cần phải có kế hoạch đề xuất tỉnh xây dựng thêm trường mới, chứ không thể làm theo kiểu chắp vá như hiện nay. Về việc luân chuyển GV, đây là việc làm rất cần thiết, do đó, trên cơ sở đề xuất của các ngành, tỉnh sẽ có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển.
;
- Thượng úy cảnh sát hy sinh khi chữa cháy ở TP HCM (08/09/2017)
- Kem chống nắng, dùng đúng mới hiệu quả (06/09/2017)
- Bài tập cho bụng phẳng, chân thon (06/09/2017)
- Đánh bay quầng thâm, vết chân chim ở mắt (06/09/2017)
- Bài thuốc chữa cảm sốt, đau đầu (06/09/2017)
- 11 loại thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ (06/09/2017)
- Chế độ ăn cho trái tim khỏe (06/09/2017)
- Thành lập TX. Phú Mỹ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (05/09/2017)
- Kỳ nghỉ lễ quốc khánh 2-9: Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục "ghi điểm" (04/09/2017)
- Tặng quà người nghèo (04/09/2017)