THỰC HIỆN LỘ TRÌNH SỐ HÓA TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT: Người dân sẽ xem truyền hình như thế nào?
12/07/2016
Theo Đề án số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất, đến 31-12-2016, BR-VT sẽ chuyển hoàn toàn từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền truyền hình số mặt đất (digital). Khi các kênh truyền hình analog bị cắt sóng theo lộ trình, người dân phải làm sao để xem được truyền hình? Đó là vấn đề được nhiều người quan tâm khi gần đây, ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh BR-VT đã không bắt được sóng truyền hình BRT và một số kênh khác.

BR-VT NẰM TRONG NHÓM 2 CỦA LỘ TRÌNH

“Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (THMĐ) đến năm 2020” đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số digital thay thế truyền hình analog (hiện còn gần 50% số hộ gia đình vẫn phải xem truyền hình analog). Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng THMĐ sẽ giúp người dân được xem nhiều chương trình truyền hình chất lượng cao hơn, phát trên chuẩn HD, 3D.

Theo lộ trình của đề án, BR-VT là địa phương thuộc nhóm 2, kết thúc phát sóng các kênh truyền hình của Trung ương và địa phương trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog trước ngày 31-12-2016. Để thực hiện lộ trình này, Đài PT-TH tỉnh đã được UBND tỉnh cho phép xây dựng các trạm phủ sóng chương trình của Đài PT-TH tỉnh trên địa bàn huyện Châu Đức và Côn Đảo. Đến nay, Đài đã hoàn thành việc xây dựng phòng máy, lắp đặt trụ ăng - ten cao 50m, đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật theo công nghệ phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại huyện Châu Đức. Công trình này đã đưa vào hoạt động từ cuối năm 2014. Tại huyện Côn Đảo, ngày 27-11-2015, Đài PT-TH tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) tiến hành thực nghiệm phát sóng truyền hình digital trên địa bàn huyện. Theo đó, Đài thực hiện phát 8 chương trình truyền hình bằng công nghệ digital. Qua kiểm tra thực địa tại các hộ dân thuộc trung tâm huyện Côn Đảo, cho thấy, với công suất phát 550 W, tại các vị trí đo kiểm (từ khu dân cư số 2 đến khu dân cư số 9) đều thu được tín hiệu chất lượng cao, hình ảnh rõ nét.

NGƯỜI DÂN LÀM SAO ĐỂ XEM TRUYỀN HÌNH?

Theo số liệu từ cuộc điều tra thống kê điện thoại, internet và nghe nhìn trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có khoảng 202.500 hộ gia đình có máy thu hình, trong đó khoảng 18.000 hộ thu truyền hình qua vệ tinh; 91.000 hộ dùng truyền hình analog và 95.000 hộ sử dụng truyền hình cáp. Có nghĩa là khi BR-VT thực hiện lộ trình số hóa THMĐ thì khoảng 91.000 hộ dân này sẽ không xem được truyền hình nếu không có thiết bị hỗ trợ.

Hiện nay, một số khu vực trên địa bàn tỉnh như: phường Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu); xã Cù Bị, Láng Lớn, Xuân Sơn (huyện Châu Đức); xã Hắc Dịch, Phước Hòa, Mỹ Xuân (huyện Tân Thành); xã Tân Lâm, Bàu Lâm, Hòa Bình, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)… không bắt được sóng BRT và một số đài địa phương đã thực hiện cắt sóng analog.

Ông Cao Văn Viết (68 Trương Hán Siêu, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) cho biết, vì sống một mình nên ông không có nhu cầu sử dụng truyền hình kỹ thuật số. Do đó, từ năm 1993 đến nay ông vẫn sử dụng tivi gắn ăng ten analog. Trước đây tivi của ông có thể thu được khoảng 20 kênh truyền hình khá rõ nét nhưng từ ngày 15-4-2016 thì một số kênh truyền hình như HTV7, VTV6, VTV9… không còn bắt sóng được nữa. Hiện tại ông Viết chỉ có thể xem được 7 kênh: VTV1, VTV2, VTV3, HTV9, Bình Dương, Today TV và VTC6.

Trả lời về trường hợp của ông Viết, ông Lê Anh Thi, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ Đài PT-TH tỉnh cho biết, Đài PT-TH tỉnh vẫn duy trì phát sóng analog kênh 41UHF bằng máy phát hình 5KW đặt tại TP. Bà Rịa. Tuy nhiên, các máy phát sóng này được đầu tư từ năm 1998 nên chất lượng không còn tốt, do đó, một số khu vực ở BR-VT không bắt được sóng BRT. Ông Lê Anh Thi cho biết thêm, như trường hợp của ông Viết, hiện đang sử dụng tivi Sharp 32 inches đã tích hợp sẵn thiết bị kỹ thuật số DVB - T2 thì khi chuyển sang truyền hình digital chỉ cần mua một ăng - ten digital nữa là có thể xem được các kênh mà trước đây ông vẫn thường xem.

Theo Sở TT-TT tỉnh, thực hiện đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng THMĐ tới năm 2020”, Bộ TT-TT sẽ sử dụng một phần kinh phí từ quỹ “Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam” hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Đối với các DN viễn thông, truyền hình cáp, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch số hóa hạ tầng truyền dẫn, phát sóng; đẩy mạnh việc dùng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng với Đài PT-TH theo kế hoạch số hóa; phát triển các hệ thống truyền hình cáp hữu tuyến, truyền hình qua internet tại các khu vực đô thị, khu dân cư…

Người dân có 3 cách để xem truyền hình số:

1. Với những hộ đang dùng tivi chưa tích hợp DVB- T2 thì có thể mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB - T2. Một đầu thu DVB- T2 hiện nay có giá khoảng vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng.

2. Hiện nay trên thị trường tivi số của các hãng điện tử từ 32 inches trở lên đều đã tích hợp sẵn tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB - T2. Vì vậy, nếu định mua TV mới thì người tiêu dùng nên mua các loại tivi đã tích hợp sẵn DVB - T2, có thể xem truyền hình mà không cần đầu thu kỹ thuật số và cũng không trả phí hàng tháng, với số lượng khoảng 30-40 kênh trong nước.

3. Các thuê bao đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, số vệ tinh (chảo), truyền hình thông qua đường truyền Internet (hay còn gọi là IPTV) đều không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Vì vậy, nếu các hộ gia đình đang dùng tivi không tích hợp vẫn có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cáp số, chảo hoặc IPTV. Tuy nhiên, cước thuê bao các loại truyền hình trả tiền nêu trên khoảng 110.000 - 150.000/tháng.

 


Số lượt đọc: 3891 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác