Sức ép học tập có thể làm trẻ bị rối nhiễu tâm trí.
16/11/2016

Rối nhiễu tâm trí (theo DSM-IV) là hội chứng tâm lý, tâm thần làm gia tăng hành vi nguy hiểm, tự hủy hoại bản thân. Rối nhiễu tâm trí thường khởi phát ở lứa tuổi thanh thiếu nhi.

Trẻ bị rối nhiễu tâm lý, tâm thần sẽ mất đi sự thoải mái, hạnh phúc và căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng học tập, rèn luyện, khả năng hòa nhập. Trẻ mắc bệnh cũng sẽ không thích ứng được với các đòi hỏi của cuộc sống ở trường, ở nhà và xã hội…

Các rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ, theo bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD-10) gồm: chậm phát triển tâm thần, rối loạn về phát triển tâm lý, rối loạn hành vi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những rối nhiễu tâm lý ở trẻ nhưng có 2 dạng nguyên nhân chính là do di truyền và sang chấn tâm lý. Sang chấn tâm lý (yếu tố ngoại sinh) thường do sức ép học tập, người thân mất, xung đột gia đình, tai nạn...

Ngoài ra, các tổn thương, bệnh lý (u não, chấn thương sọ não hoặc các rối loạn chuyển hóa hoạt động của não bộ) cũng có thể gây ra chứng rối nhiễu tâm lý.

Khi trẻ có những biểu hiện về các rối nhiễu tâm lý, những người thân trong gia đình cần gần gũi và chia sẻ, theo dõi những biểu hiện của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến các phòng tham vấn tâm lý khi cần thiết hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp. Gia đình cần tuân thủ các nguyên tắc khi tham vấn hay điều trị bệnh. Nhà trường, thầy cô giáo và bạn bè không xa lánh kỳ thị khi trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm lý mà ngược lại cần quan tâm, giúp đỡ trẻ.

Trong điều kiện có thể, Nhà trường cần phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề để ngăn chặn các yếu tố có thể dẫn đến chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ. Các đơn vị y tế chuyên khoa cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho gia đình, nhân viên y tế học đường những kiến thức cơ bản của một số bệnh rối loạn tâm lý, tâm thần thường gặp lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh THCS; tăng cường phổ biến những kiến thức cơ bản về tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học giới tính, cách hạn chế các sang chấn tâm lý đột ngột, mãnh liệt hoặc cường độ nhẹ nhưng kéo dài ở học sinh.

Mối quan tâm của gia đình đối với sự phát triển của trẻ là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn các yếu tố ngoại sinh có thể dẫn đến bệnh rối loạn tâm lý cho trẻ đặc biệt là việc hạn chế mức thấp nhất hiện tượng trẻ tiếp xúc với các chất kích thích, gây nghiện như: rượu, thuốc lá, ma túy, games.

Gia đình và nhà trường cũng cần có sự tương tác để nắm bắt những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống gia đình, trong việc học tập của học sinh từ đó có thể phát hiện những học sinh có biểu hiện không bình thường về sức khỏe tâm lý, tâm thần, qua đó can thiệp kịp thời. Khi phát hiện những vấn đề hoặc mâu thuẫn bất thường trong tâm lý học sinh, cần kịp thời tham vấn tâm lý giúp các em vượt qua những cú sốc tâm lý, lấy lại cân bằng và hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực.


Số lượt đọc: 3416 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác