Viêm họng, nên ăn gì và kiêng gì?
11/04/2017

Khi bị viêm họng, nên dùng các loại thực phẩm làm dịu và chữa lành tổn thương vùng họng. Cần tránh những thực phẩm khó nuốt hoặc gây kích ứng họng.

Viêm họng thường do lạnh và virus cúm gây ra. Ngoài can thiệp thuốc men và các biện pháp điều trị y tế khác, chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục bệnh viêm họng. Một chế độ ăn uống phòng và chữa viêm họng nên bao gồm các loại thực phẩm làm dịu và giúp chữa lành các thương tổn vùng họng - và kiêng các loại thực phẩm gây kích ứng họng hoặc khó nuốt.

Thực phẩm nên dùng

Mật ong là thực phẩm làm dịu viêm và đau họng. Mật ong cũng có tính chất kháng khuẩn, giúp chữa lành viêm họng. Nên nhấm nháp nước chanh hoặc trà trộn với một thìa mật ong, ngậm trong miệng và nuốt từ từ để làm dịu cổ họng.

Khi bị viêm họng, nên ăn các loại thực phẩm mềm và dễ nuốt, như chuối, táo, sữa chua và sữa trứng, ngũ cốc nấu chín, súp và nước canh.

Trong các loại thực phẩm, súp gà hoặc canh gà đã được coi là một phương thuốc hiệu quả trị bệnh viêm họng, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y tế Nebraska, Ấn Độ đã đưa súp gà vào thử nghiệm và họ phát hiện ra súp gà hoặc canh gà có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cúm, và viêm họng. 

Món canh gà nấu cần tây, cà rốt là một trong những phương thuốc trị viêm họng hiệu nghiệm 

Các thành phần trong món súp gà hoặc canh gà có tác dụng chống viêm nhẹ và hơi nước từ một bát súp gà giúp làm giảm sưng nề và hạn chế thời gian virus tiếp xúc với màng nhầy niêm mạc họng. Hơn nữa, trong súp gà hoặc canh gà còn có nhiều thành phần giàu chất dinh dưỡng như cà rốt, hành tây, cần tây, củ cải, khoai lang và tỏi, tất cả đều có thể có khả năng chữa bệnh viêm họng.

Thực phẩm cần tránh

Khi bị viêm họng, nên loại trừ những loại thực phẩm cứng, giòn hoặc gây kích thích cổ họng. Thực phẩm cần tránh gồm có bánh mì nướng, bánh quy giòn, bánh quy, ngũ cốc khô, các loại hạt, rau sống, thức ăn chiên hoặc nướng như gà rán, gà nướng và thức ăn cay như cà ri. Tránh ăn vặt và dùng nước ngọt có đường vì có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

Chú ý

Thực phẩm quá nóng có thể gây kích ứng cổ họng đang sưng, đau. Nên để đồ ăn nguội bớt trước khi ăn để tránh làm tổn thương cổ họng đang bị viêm. Nếu tình trạng của bạn nặng hơn hoặc kèm sốt ớn lạnh, hãy đi khám để có hướng điều trị phù hợp. Do đôi khi, viêm họng có thể khởi đầu cho một bệnh lý nghiêm trọng hơn.

 


Số lượt đọc: 3230 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác