Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Ưu điểm của công nghệ tưới nhỏ giọt
18/04/2017
Tưới nhỏ giọt là công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí và tăng năng suất cây trồng. Công nghệ tưới mới này đang được nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ứng dụng.

HỆ THỐNG TƯỚI TỐI ƯU

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu quy trình vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, năm 2016, ông Vũ Văn Thiều (ấp Tân Ro, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo luống, phục vụ tưới cho hơn 1ha rau ăn lá của gia đình. Từ khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Thiều không còn phải vất vả tưới nước hàng ngày và tiết kiệm được các chi phí điện, nước; đồng thời năng suất tăng khoảng 35% so với canh tác theo phương pháp tưới truyền thống. Theo ông Thiều, với hệ thống tưới nhỏ giọt, nước được cấp trực tiếp cho cây trồng, không bị thất thoát do bốc hơi và nước thấm sâu hơn. Tưới nhỏ giọt còn có khả năng giữ được độ ẩm đồng đều trong tầng đất canh tác nên năng suất cây trồng tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cho biết, cuối năm 2015, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, ông đã áp dụng mô hình trồng hành lá và rau cải bằng công nghệ tưới nhỏ giọt từ Israel. Với công nghệ này, nước được cung cấp đều đặn cho rau, không gây xói mòn hay phá vỡ cấu trúc đất. Nước được cung cấp trực tiếp tới rễ nên lượng phân bón hòa trong nước sẽ bảo đảm cho rau đủ chất dinh dưỡng để phát triển. “Trước đây, mỗi luống hành lá chỉ cho thu hoạch khoảng 45kg thì nay tăng lên 70kg. Tương tự, hiện mỗi luống rau cải cho thu hoạch khoảng 65kg, tăng 20kg so với trước”, ông Thanh nói.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước đã được áp dụng rộng rãi trên bàn tỉnh, phù hợp với nhiều loại cây trồng như: cam, quýt, chuối, tiêu, bưởi, mãng cầu và rau các loại. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cây trồng sử hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm  nước lên tới 2.522ha.

PHÙ HỢP VỚI TÚI TIỀN

Hiện chi phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quấn quanh gốc khoảng 50 triệu đồng/ha, thời gian sử dụng 10-15 năm. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mức chi phí này phù hợp với khả năng của người dân. Công nghệ tưới nhỏ giọt có thể ứng dụng được trên nhiều loại địa hình, bao gồm cả đồng bằng, miền núi, ứng dụng được trong sản xuất nhiều loại cây trồng. Ông Phạm Trung Viễn, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh, nhà phân phối độc quyền thiết bị tưới và nhà kính của hãng NETAFIM tại Việt Nam cho biết, áp dụng hệ thống này, người dân có thể lên lịch tưới vào thời điểm không căng thẳng về điện, chẳng hạn có thể tưới vào lúc 2-3h sáng (thời điểm này, điện rất mạnh và ổn định). Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống này sẽ giúp cây trồng hấp thụ phân bón rất tốt (hiệu quả hấp thu phân bón có thể lên tới 80%). Từ năm 2016 đến nay, công ty đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới hiện đại này trên diện tích khoảng 230ha tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và Tân Thành. “Với mong muốn bà con nông dân có thể ứng dụng trên diện rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước, công ty sẽ tăng cường thêm một số kỹ sư chuyên môn để hướng dẫn người dân phương pháp lắp đặt, bảo quản, sử dụng, vận hành hệ thống tưới… nhằm phát huy ưu thế của hệ thống tưới nhỏ giọt, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”, ông Viễn cho biết thêm.

Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ từ công cụ hay thiết bị tạo giọt đặt tại một số điểm trên mặt đất gần gốc cây. Hệ thống tưới nhỏ giọt khá đơn giản, chỉ bao gồm: bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt; phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón, giúp mang phân bón đến đúng gốc cây với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm.

 


Số lượt đọc: 3808 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác