Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu
10/05/2017

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/10.000) TP.Vũng Tàu đến năm 2035. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.Vũng Tàu, với tổng diện tích đất tự nhiên 15 ngàn ha.

Theo đó, sẽ xây dựng Vũng Tàu thành một thành phố dịch vụ du lịch, tài chính, thương mại, mang tầm vóc quốc gia, khu vực và quốc tế; phát triển mạnh về kinh tế biển và phấn đấu trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện. Yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu gồm:  Rà soát định hướng phát triển các khu đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố; Bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị; Nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị dựa trên hệ thống các phương pháp khoa học và cơ sở hiểu biết toàn diện về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố, nâng cấp xã Long Sơn lên phường; nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao trong đô thị.

Nội dung hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu cần phân tích các lợi thế và hạn chế do vị trí tạo ra; phân tích mức độ khai thác lợi thế vị trí mà thành phố đã và chưa đạt được; phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước, vùng TP.Hồ Chí Minh, vùng tỉnh và những ảnh hưởng qua lại của nó đối với vận hội phát triển đô thị tại Vũng Tàu. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng, trong đó thống kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá về hiện trạng sử dụng đất đai; phân tích đánh giá vấn đề nhà ở và hệ thống hạ tầng xã hội; xác định các vùng bảo vệ cảnh quan, môi trường, di tích văn hóa lịch sử có giá trị, hành lang kỹ thuật quốc gia, vùng khoáng sản; nhận diện các vấn đề tồn tại về khai thác, sử dụng đất; lựa chọn quỹ đất phát triển đô thị.


Số lượt đọc: 3064 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác