Khoanh vùng bảo vệ di tích.
30/05/2017
Toàn tỉnh có 47 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, nhiều di tích không những chưa phát huy được giá trị mà còn bị xâm hại, lấn chiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có phần xuất phát từ việc di tích chưa được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ kịp thời.

NHIỀU DI TÍCH BỊ XÂM HẠI

Trên địa bàn TP. Vũng Tàu tọa lạc 3 di tích trận địa pháo cổ gồm: Trận địa pháo Tao Phùng, Trận địa pháo Cầu Đá và Trận địa pháo Sao Mai - Núi Lớn. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, các di tích này chưa phát huy được hiệu quả phục vụ du lịch.

Di tích Trận địa pháo cổ Tao Phùng có 3 khẩu pháo nằm ở lưng chừng Núi Nhỏ (thường gọi là khu Yên Ngựa). Di tích này không có mốc cắm chỉ giới mà chỉ có tấm bia ghi thông tin về di tích cùng quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia của Bộ VH-TT vào năm 1993.

Tương tự, di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá có 4 khẩu pháo nằm rải rác trên sườn núi và bị che khuất trong khuôn viên chùa Sơn Bửu, Tịnh xá Ngọc Bích và nhà dân. Thậm chí, một khẩu pháo nằm trong nhà bếp chùa Sơn Bửu và bị tường xây đè lên, một khẩu khác nếu muốn vào xem, khách phải trèo qua tường của chùa. 2 khẩu còn lại bị “mắc kẹt” giữa các bức tường của nhà dân.

Di tích Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi Sao Mai-Núi Lớn (hẻm 444 Trần Phú) gồm 6 khẩu pháo, có đường lên dễ dàng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ di tích chưa được quan tâm. Khuôn viên di tích rộng nhưng chưa được cắm mốc chỉ giới. Bên trong khuôn viên di tích, vài quán nước tự phát được dựng lên để phục vụ khách tham quan. Thậm chí, có hộ dân còn tận dụng đường hầm lô cốt của di tích để làm… chỗ ở.

Các di tích khác tại TP. Vũng Tàu cũng lâm cảnh tương tự. Trong khuôn viên và hành lang di tích Bạch Dinh (đường Trần Phú), nhiều quán cà phê, giải khát hoạt động nhộn nhịp. Di tích Thích Ca Phật đài thì bị nhiều hộ dân lấn chiếm đất và chiếm dụng mặt bằng để buôn bán, kinh doanh. Từ cổng chính và dọc lối lên chùa, nhiều người dân căng bạt, che dù, mở sạp kinh doanh nước uống, hàng lưu niệm khiến không gian di tích nhếch nhác, phản cảm.

Đất di tích chưa được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ dẫn đến tình trạng bị xâm lấn là thực trạng chung của nhiều di tích tọa lạc trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn thành phố có 18 di tích. Thực hiện quy chế tạm thời về việc phân cấp, quản lý di tích, từ năm 2006, TP. Vũng Tàu được Sở VHTTDL (nay là Sở VH-TT) giao quản lý 16 di tích, còn 2 di tích Bạch Dinh và Trận địa pháo cổ Sao Mai-Núi Lớn do Sở VH-TT quản lý. Tuy nhiên, địa phương chỉ được bàn giao trên giấy tờ, còn thực địa, nhiều di tích không còn nguyên vẹn, đã bị xâm chiếm đất, không được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác, trùng tu.

Khách tham quan trận địa pháo cổ núi Tao Phùng tại tượng chúa Kitô (Mũi Nghinh Phong, TP. Vũng Tàu).

CẦN SỚM CẮM MỐC, KHOANH VÙNG BẢO VỆ

Một thực tế bức xúc hiện nay là tình trạng nhiều di tích bị lấn chiếm đất đã và đang xảy ra tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do công tác bàn giao di tích từ Sở VHTTDL (nay là Sở VH-TT) cho các địa phương chỉ được thực hiện trên giấy mà chưa bàn giao trên thực địa. Bên cạnh đó, nhiều di tích chưa được cấp giấy CNQSDĐ, không rõ ranh giới bảo vệ nên bị người dân lấn chiếm, xây nhà kiên cố trong khu vực bảo vệ.

Theo quy định của Luật Di sản, các di tích đã xếp hạng phải được khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành Văn hóa nói chung và các địa phương nói riêng chưa làm tốt công tác bảo vệ khiến nhiều di tích bị xâm hại. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đề nghị, Sở VH-TT cần sớm cắm mốc, khoanh vùng di tích và cần thông báo rộng rãi để người dân biết, thay vì chỉ cắm bia, biển di tích như hiện nay. Đồng thời, Sở VH-TT cần tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành quy chế về quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích để công tác quản lý được thực hiện chặt chẽ hơn.

Đồng chí Trịnh Đình Thân, Phó Giám đốc Sở VH-TT thừa nhận, để xảy ra tình trạng đất di tích bị xâm lấn hoặc chồng lấn như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở vì chưa quan tâm đúng mức đến các di tích. Tại công văn số 3909/UBND-VP ngày 3-6-2016, UBND tỉnh đã giao Sở VH-TT chủ trì thực hiện công tác khảo sát, đo đạc, cắm mốc di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp với Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên-Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, Phòng Tài nguyên-Môi trường, phòng VH-TT các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất di tích tại 8 huyện, thành phố. Hiện Sở đã giao Trung kỹ thuật Tài nguyên-Môi trường lập thiết kế kỹ thuật, dự toán kinh phí đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc các di tích trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, đầu tháng 6, Sở sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. “Sau khi UBND tỉnh phê duyệt bản đồ khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc các di tích trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đo đạc, cắm mốc các di tích lịch sử, văn hóa trên toàn tỉnh nhằm bảo vệ di tích tốt hơn”, đồng chí Trịnh Đình Thân khẳng định.

Tại một số địa phương khác, các di tích được bảo vệ khá tốt nhưng phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Ông Trần Văn Dũng, Phó Phòng VH-TT huyện Đất Đỏ cho biết, 5 di tích gồm: Hầm bí mật Nguyễn Thị Đẹp, nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu, đình chùa Thạnh Mỹ, Dốc Cây Cám và Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm đều chưa có giấy CNQSDĐ và chưa được cắm mốc. Tương tự, huyện Long Điền có 5/9 di tích chưa được cấp giấy CNQSDĐ, gồm: Trường Văn Lương, di tích Bàu Thành, Dinh Cô, núi Chân Tiên, mộ Châu Văn Tiếp. Tuy nhiên, các di tích trên có tường rào bao quanh nên không bị chiếm hoặc xảy ra tranh chấp. Riêng di tích Dinh Cô (huyện Long Điền) hiện có 3 hộ dân đang sinh sống trong khu vực hành lang của di tích. Các cơ quan chức năng huyện Long Điền đang xác minh lại xem các hộ dân sinh sống trước năm 1995 - thời điểm Dinh Cô được công nhận di tích hay sau năm 1995 để có phương án xử lý.

Di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1994 nhưng đến năm 1999, khi xây dựng quy hoạch khu vực Núi Nhỏ lại chưa tính đến quy hoạch là đất di tích. Công nhận di tích mà không cắm mốc, khoanh vùng thì người dân khó mà nhận biết, nên mới xảy ra tình trạng đất di tích bị xâm lấn nhiều như vậy.

(Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu).

Huyện Đất Đỏ đã chủ động trong việc xây dựng hàng rào quanh các di tích. Ngoài ra, huyện còn lập phương án đền bù, di dời người dân khi mở rộng khuôn viên di tích. Chẳng hạn, khi tu sửa nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu (năm 2012), huyện đã đền bù, di dời một số hộ dân quanh nhà lưu niệm rồi xây dựng hàng rào cho di tích. Nhờ đó, hành lang di tích được bảo vệ tốt, không có tình trạng tranh chấp hoặc xâm phạm.

(Ông Trần Văn Dũng, Phó Phòng VH-TT huyện Đất Đỏ).


Số lượt đọc: 2724 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác