Nghị lực làm giàu của người thương binh nặng.
02/06/2017
Trở về với cuộc sống đời thường từ chiến trường miền Đông Nam bộ, tưởng chừng người thương binh mất 81% sức khỏe ấy sẽ cam chịu số phận tật nguyền. Nhưng không, sau hơn 40 năm lăn lộn với đất đá khô cằn, người thương binh ấy đã trở thành ông chủ một trang trại VAC. Ông là cựu chiến binh Võ Minh Chiến, ở thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.

LÀM VƯỜN TRÊN ĐỒI TRỌC

Chiếc xe u oát hơn một giờ tăng tốc vượt 70km từ TP. Vũng Tàu đưa chúng tôi đến nhà ông Võ Minh Chiến, một ngôi nhà mái bằng khang trang tọa lạc trên gò đồi cao. Ông Chiến dừng tay tắt vòi nước đon đả mời khách vào nhà. Thấy tôi mặc quân phục hải quân, ông Chiến thân tình “Chào đồng chí hải quân. Đồng chí ở đơn vị nào thế?”. “Dạ, cháu ở Bộ Tư lệnh Vùng 2 ạ”. Chủ và khách nói chuyện cởi mở dù mới chỉ lần đầu tiên gặp nhau. “Có cơ ngơi này là cố gắng lắm đó anh. Cứ tưởng sau khi rời quân ngũ, chân tay tật nguyền mình phó thác cho số phận. Vậy mà bây giờ mình đã vượt qua tất cả”, ông Chiến cười mãn nguyện.

Ông kể, ngày từ chiến trường trở về, vừa nghèo khó lại thêm mặc cảm vì tay chân tàn tật. Nhiều đêm ông Chiến trằn trọc không biết phải làm gì để thoát nghèo. Vào những năm 76-80 của thế kỷ trước, thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”, cơm không có mà ăn, ai dám cả gan vay tiền làm kinh tế. Vậy mà ông đã mạnh dạn vay tiền bạn bè sắm xẻng cuốc một mình khai hoang đồi trọc. Thấy chồng san đồi, đào đất, vợ ông cho là “dở hơi, làm chuyện không đâu, thời buổi bình quân đầu người làm chi cho uổng sức”, còn hàng xóm thì bảo “khùng mới khoét đồi làm vườn”. Nhưng ông không nghe, bởi “chí tôi đã quyết, không thành công cũng làm cho biết”.

Công việc đầu tiên của ông là nhờ anh em họ hàng phát cây, ủi vạt đồi san phẳng. Dựng tạm chiếc lán lấy chỗ che nắng che mưa, ông lao vào làm quần quật suốt ngày đêm. Trước mắt lợi dụng vách đồi dựng đứng khoét lỗ làm chuồng nuôi heo, đào ao thả cá, khoanh vườn nuôi gà. Khoảng đồi trống trồng chuối lấy quả đem bán, thân chuối băm nấu cho heo, lá chuối vứt xuống ao cho cá ăn. Mỗi ngày ông Chiến như con thoi trong guồng quay khép kín từ sáng đến tối. Hết cho heo, gà ăn, lại quay sang chăm sóc vườn cây, ao cá. Thấy vạt cỏ đồi xanh mơn mởn, ông vay thêm tiền đồng đội mua 3 con bò giống về nuôi.

Đang lúc “xuôi chèo mát mái” thì đàn gà hơn 200 con lăn ra chết vì dịch cúm, bò thì lở mồm long móng chết dần. Buồn bã, ông Chiến ốm liệt giường. “Những ngày ấy, tui tưởng mình không gượng dậy nổi. Phần vì không tiền trả nợ, phần tủi số mình không gặp may. Nhiều hôm bưng bát cơm mà ứa nước mắt, may nhờ được vợ con động viên nên tôi đã gượng dậy tìm cách gỡ khó”. 

Chở vợ lên tận Long Khánh (Đồng Nai) để học hỏi kinh nghiệm chữa dịch cúm gà, cách chăm sóc bò lở mồm long móng, về nhà ông cùng các con sửa sang chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, mời bác sĩ thú y về hướng dẫn chăm sóc vật nuôi. Được các con ủng hộ, ông mạnh dạn đầu tư thêm 100 triệu đồng mua heo mọi, cá giống, thỏ, bê con và bước vào “cuộc chiến đấu” mới. Do chọn được giống tốt, chuồng trại sạch sẽ và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nên đàn gia súc, gia cầm không bị bệnh, lớn nhanh như thổi.

KHÔNG CHỊU THUA SỐ PHẬN

Mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) của ông Chiến ngày càng được đầu tư bài bản hơn. Riêng vạt đồi tự tay ông khai hoang ngày xưa nay đã mở rộng lên gần 4.000m2 ông giành hơn phân nửa trồng chuối, thân làm thức ăn cho heo mọi, lá cho cá trắm dưới ao, phần còn lại trồng cây tràm lấy gỗ 2 năm bán một lần; hồ cá trắm rộng 300m2; đàn gà 700 con và 16 bò mẹ đang thời kỳ sinh sản.

Với mô hình VAC này, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tuần nào cũng có lái buôn đến mua gà thịt, tháng xuất một lần cá, năm bán 3 lứa heo. Bò mẹ đẻ bò con, lãi nhỏ góp lại thành lãi lớn, càng làm càng lãi. Căn nhà khang trang rộng rãi trên mảnh đất khô cằn gia đình ông đang ở cũng từ đó mà có được.

Có tiền, ông đầu tư cho con cái học hành. Hiện nay, các con ông đều đã trưởng thành. Ngày cuối tuần con cháu về thăm ông bà. Mâm cơm sum họp đông vui với đủ các loại thực phẩm sản xuất tại nhà. Ông Chiến tâm sự: “Cả đời tui chỉ mong được ăn no mặc ấm, nay được như vầy là hạnh phúc lắm rồi. Còn sức còn làm và đóng góp cho xã hội. Muốn nước mạnh thì dân phải giàu, muốn giàu phải biết cách làm, đừng bao giờ đầu hàng với số phận”. Khi nhắc về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, ông Chiến vạch cho tôi xem vết thương trên cổ và đùi phải. “Trong ấy còn dằm bom. Mỗi khi trái gió trở trời nó hành tui đau nhức, chân tay cứng lại. Càng đau càng làm, phải làm để chiến thắng bệnh tật chứ!”, ông Chiến cười hê hả làm cả nhà vui lây.


Số lượt đọc: 2839 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác