Can thiệp sớm khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
24/11/2017

Cha mẹ mải lo làm ăn, không có người chơi cùng, để trẻ làm bạn với tivi, ipad dẫn đến tình trạng nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Khi con chuẩn bị đi học mà vẫn chậm nói, nhiều phụ huynh mới hốt hoảng tìm cách can thiệp.

“CỨ TƯỞNG CON CHẬM NÓI…”

Chúng tôi đến trường MN hòa nhập Phước An (22, Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) vào một sáng đầu tuần. Trong số 60 trẻ độ tuổi từ 2-15 đang được nuôi dạy tại trường có khoảng 10 em bị rối loạn ngôn ngữ. Tại lớp can thiệp riêng, cô Võ Thị Oanh đang dạy về màu sắc cho bé Bin (tên nhân vật đã thay đổi), cạnh đó là bé Bon đang làm Toán. Cô giơ những chữ cái và con số nhiều màu sắc lên để dạy Bin, kiên nhẫn chờ em nhắc lại bằng tiếng Việt. Cô nhắc lại “màu xanh lá” lần thứ 3, Bin mới nói theo, dù vẫn còn ngọng nghịu. Khi có khách, cô Oanh nhắc thì Bin nói: “Con chào cô” nhưng em không nhìn khách. Cô Oanh mỉm cười, khen “Bin giỏi quá” và cho biết “Cháu tiến bộ nhiều lắm rồi đó”. Bin 5 tuổi, bị rối loạn ngôn ngữ. Em được ba mẹ gửi vào trường 2 tháng nay do “hiểu mọi việc nhưng không chịu nói”. 

Trường hợp rối loạn ngôn ngữ như Bin không phải là hiếm. Chị Nguyễn My (hẻm 171 Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) do bận rộn với việc kinh doanh, trong khi chồng đi công tác liên tục. Để bé Su không quấy, chị My thường mở tivi hoặc ipad cho con xem các chương trình giải trí, phim hoạt hình. Cháu rất ngoan, nhưng hầu như không nói. Mỗi lần chị My nói gì với con, cậu bé chỉ gật hoặc lắc đầu, dùng tay chỉ món đồ mình cần. Khi mọi người thắc mắc vợ chồng chị My thường giải thích: “Ai nói gì, cháu hiểu hết nhưng chỉ chậm nói thôi, mai mốt sẽ biết”. 

Lên 5 tuổi, cháu mới biết nói những từ đơn giản nhưng rời rạc, hoặc chỉ nhắc lại theo lời người khác một cách vô thức. Lúc này, chị My mới hoảng hốt đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) khám, bác sĩ kiểm tra và cho biết Su chỉ nói được như trẻ 2 tuổi, không nhận thức được về không gian, thời gian, các sự việc xung quanh cũng ít làm Su chú ý. Sau khi bác sĩ chẩn đoán con bị rối loạn ngôn ngữ, vợ chồng chị My mới vội tìm cách can thiệp cho con. Chị tạm ngưng kinh doanh, hàng ngày cùng con đến lớp chuyên biệt của Trường MN Phước An để giúp con học nói. Sau hơn nửa năm, khả năng ngôn ngữ của Su đã khá hơn, nhưng bé vẫn chưa thể vào lớp 1 như các bạn cùng trang lứa. Chị My tỏ vẻ hối tiếc: “Cô giáo nói nếu phát hiện và can thiệp sớm thì khả năng phục hồi chức năng ngôn ngữ của con sẽ tốt hơn. Tôi cứ mải mê làm việc, giờ tiếc thì cũng muộn nhưng vợ chồng tôi sẽ không bỏ cuộc”. 

CẦN CAN THIỆP SỚM

Cô Phạm Thị Nhung, GV Trường MN hòa nhập Phước An cho biết, ngày càng có nhiều trẻ bị rối loạn hành vi ngôn ngữ. “Những năm 2012 trở về trước, mỗi tháng, tôi chỉ phải can thiệp cho khoảng 2-3 em bị rối loạn ngôn ngữ nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng tôi can thiệp cho 5-6 em, chưa kể việc tư vấn tại gia đình”, cô Nhung nói. 

Theo cô Nhung, nguyên nhân khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ là do ba mẹ bận việc, ít quan tâm đến con, cho con xem ti vi, ipad quá nhiều mà không có sự tương tác với người khác, dẫn đến con bị “nhiễm” ngôn ngữ từ các thiết bị này, trong đó phổ biến nhất là tiếng Anh. Khi được can thiệp, tùy vào nền tảng nhận thức của trẻ mà khả năng cải thiện ngôn ngữ nhanh hay chậm. Những trẻ còn nhỏ có thể mất từ 3-6 tháng, nhưng với trẻ 5-6 tuổi bị rối loạn cấu trúc câu, nói ngọng thì việc can thiệp khó khăn hơn, mất thời gian nhiều hơn. “Nhiều phụ huynh không phát hiện ra các biểu hiện lạ của con, chỉ suy nghĩ đơn giản là con chậm nói. Khi được bác sĩ tư vấn, một số phụ huynh đưa con đến trường Phước An nhờ can thiệp. Thế nhưng, khi trẻ mới bắt đầu tiến bộ, một số người lại vội chuyển con qua trường học bình thường, đến lúc trẻ rối loạn ngôn ngữ nặng hơn thì phụ huynh mới đưa con quay lại. Lúc này, việc can thiệp càng thêm khó khăn, thậm chí các cháu không thể có được khả năng giao tiếp bình thường”, cô Nhung cho hay.  

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo: 75% trẻ chậm nói không biết rõ nguyên nhân mắc bệnh nhưng có hoàn cảnh giống nhau là do cha mẹ bận rộn, ít trò chuyện cùng con, trẻ thường xem ti vi, ipad một mình nên chỉ học ngôn ngữ một chiều, lâu ngày sẽ không diễn đạt được ngôn từ muốn nói. Để phòng, tránh tình trạng này, phụ huynh nên quan tâm tới con, quan sát và kịp thời can thiệp ngay ở thời điểm “vàng” khi trẻ dưới 3 tuổi. Phụ huynh cần xác định tâm lý chấp nhận cho con học trễ hơn để điều trị chứng chậm nói, hoặc cho theo học ở các lớp chuyên biệt về rối loạn ngôn ngữ. Sau một thời gian, khả năng ngôn ngữ của trẻ trở lại bình thường, lúc đó hãy chuyển con sang các lớp học bình thường để trẻ dễ hòa nhập. 

Tại trường MN hòa nhập Phước An, trẻ rối loạn ngôn ngữ được học tại các lớp chuyên biệt hoặc lớp MN bình thường. Hàng ngày các em được dành 1 buổi để học tập, sinh hoạt theo chương trình của Bộ GD-ĐT dành cho lứa tuổi MN, buổi còn lại học tại các lớp can thiệp (1 cô - 1 trò) với chương trình được thiết kế riêng cho từng em và các hoạt động trị liệu khác. Phụ huynh có thể đăng ký cho trẻ học toàn thời gian (7 giờ 30 phút - 17 giờ), bán thời gian (can thiệp nửa ngày: buổi sáng hoặc buổi chiều) hoặc can thiệp theo giờ (1 cô - 1 trò, thời gian  45 - 60 phút). Học phí 2,9 triệu đồng/tháng/em.


Số lượt đọc: 2869 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác