Theo đề án số hóa truyền hình mặt đất, từ ngày 1-7, tỉnh BR-VT chuyển sang truyền hình kỹ thuật số, tắt hẳn analog. BR-VT còn hơn 86.000 hộ gia đình đang sử dụng truyền hình analog. Những hộ gia đình này, sẽ phải làm gì để xem truyền hình?
BẢO ĐẢM VỀ VÙNG PHỦ SÓNG TH KỸ THUẬT SỐ
Số hóa truyền hình mặt đất là quá trình chuyển đổi công nghệ phát - thu sóng từ truyền hình mặt đất (analog) sang truyền hình kỹ thuật số (digital). Ưu điểm của truyền hình digital có hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu và bóng ma (ghost), loại bỏ tác hại của các tia sóng phản xạ, không bị ảnh hưởng nhiễu phát ra do máy vi tính, mô-tơ điện, sấm sét...
Theo “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, các tỉnh, thành phố trong cả nước kết thúc phát sóng analog để chuyển sang truyền hình digital trước ngày 31-12-2020. Riêng, BR-VT theo lộ trình ban đầu, phải kết thúc việc phát sóng analog trước ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, tháng 12-2016, Bộ TT-TT đã quyết định lùi thời gian cắt sóng analog cho BR-VT đến 0 giờ ngày 1-7-2017.
Một hộ nghèo ở xã Châu Pha (huyện Tân Thành) đang sử dụng truyền hình analog.
Bà Trần Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở TT-TT cho biết, để tiến tới cắt sóng analog, Đài PT-TH tỉnh đã phối hợp với Công ty SDTV thực hiện phát sóng thử nghiệm truyền hình số mặt đất tại các trạm phát sóng thuộc tỉnh BR-VT như: TP. Bà Rịa (kênh 33UHF), huyện Châu Đức (kênh 33UHF) và huyện Côn Đảo (kênh 35UHF). Qua kết quả đo đạc, khảo sát cho thấy, vùng phủ sóng truyền hình digital đạt khoảng 50%, lớn hơn nhiều so với vùng phủ sóng analog. Kết quả đo kiểm chất lượng tín hiệu sau khi phát sóng thử nghiệm cũng cho thấy, tại những khu vực thu được tín hiệu truyền hình digital, chất lượng tín hiệu tốt, hình ảnh và âm thanh rõ nét hơn so với truyền hình analog.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Phòng Kinh doanh, Ban Phân phối dịch vụ truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Các hộ dân trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có thể xem được 30-40 kênh truyền hình miễn phí trên sóng truyền hình digital. Trong đó không thể thiếu các kênh truyền hình phổ biến như VTV1, VTV2, VTV3, HTV7, HTV9, BRT và một số kênh truyền hình địa phương của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long… Ông Bình cho biết thêm: Hiện công ty đang rà soát lại những khu vực trên địa bàn tỉnh chưa có sóng digital hoặc sóng còn yếu để báo cáo với Cục Tần số (Ban Quản lý dự án chương trình viễn thông công ích - chủ đầu tư) đo đạc lại để tiến hành phủ sóng 100% cho toàn bộ các khu vực trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 1-7, các hộ dân sẽ không thể xem truyền hình bằng ăng-ten xương cá.toàn bộ các khu vực trên địa bàn tỉnh.
NGƯỜI DÂN PHẢI MUA THIẾT BỊ “CHUYỂN SÓNG”
Trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có khoảng 204.000 hộ gia đình có máy thu hình, trong đó có 91.000 hộ đang dùng truyền hình analog. Ngoại trừ 3.737 hộ nghèo, cận nghèo đã được Chính phủ hỗ trợ lắp đặt miễn phí đầu thu truyền hình digital (trị giá 700.000 đồng/bộ), những hộ dân còn lại sẽ không xem được truyền hình nếu không mua thiết bị hỗ trợ.
Nói thêm về chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, ông Dương Minh Chính, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ ngày 19-6, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tiến hành việc lắp đặt thiết bị cho các đối tượng này và dự kiến đến 30-6 sẽ hoàn tất, bảo đảm kịp tiến độ “chuyển sóng”.
Anh Trần Văn Tuấn (khu phố Hòa Hội, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) thuộc diện hộ nghèo chuẩn Quốc gia cho biết: “Trước đây, gia đình tôi được tặng 1 chiếc tivi, nghe nói sắp tới nếu sử dụng ăng-ten xương cá thì không xem được tivi nữa nên tôi cũng thấy lo. Nhưng giờ được hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình kỹ thuật số miễn phí nên tôi mừng lắm. Từ bữa chuyển sang truyền hình kỹ thuật số hình ảnh trên tivi sắc nét hơn, có nhiều kênh để lựa chọn”.
3 CÁCH ĐỂ XEM TRUYỀN HÌNH KHI TẮT SÓNG ANALOG
Mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB-T2/MPEG4
Đối với những hộ đang dùng tivi chưa tích hợp DVB-T2 cần mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB-T2. Một đầu thu DVB-T2 hiện nay có giá khoảng từ vài trăm ngàn đồng cho đến hơn 1 triệu đồng, tùy loại.
Mua tivi có tích hợp sẵn DVB-T2/MPEG4
Theo lộ trình số hóa truyền hình của Bộ TT-TT, từ ngày 1-4-2014, các tivi nhập khẩu hoặc sản xuất để sử dụng tại Việt Nam từ 32 inch trở lên đều phải tích hợp chức năng thu truyền hình digital tiêu chuẩn DVB-T2. Do đó, nếu mua tivi mới, người dân nên chọn mua tivi có tích hợp sẵn DVB-T2/MPEG4.
Đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền
Các thuê bao đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, số vệ tinh (chảo), truyền hình thông qua đường truyền Internet (hay còn gọi là IPTV) đều không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Vì vậy, nếu các hộ gia đình đang dùng tivi không tích hợp có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cáp số, số vệ tinh (chảo) hoặc IPTV. Tuy nhiên, cước thuê bao các loại truyền hình trả tiền nêu trên đắt hơn nhiều (110-150.000/tháng) so với việc trang bị đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 (20-50.000/tháng của AVG, hoặc miễn phí hoàn toàn cước tháng).
- Ấm áp những ngôi nhà đội viên. (22/07/2020)
- PHIÊN GIAO DỊCH VIỆC LÀM ĐẦU TIÊN CỦA NĂM 2020 Mở ra cơ hội việc làm cho người lao động. (22/07/2020)
- Khai giảng lớp phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em. (21/07/2020)
- Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. (21/07/2020)
- Tiếp nhận 305 công dân về cách ly tập trung tại Bà Rịa-Vũng Tàu (20/07/2020)
- Góp gạch sinh thái, xây nhà tình thương cho hộ nghèo. (19/07/2020)
- KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2020) Giúp người có công ổn định cuộc sống (19/07/2020)
- Hơn 100 sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. (23/06/2020)
- Được dùng điểm thi THPT quốc gia các năm trước để xét tuyển. (23/06/2020)
- Nỗ lực không có tàu cá vi phạm để gỡ "thẻ vàng". (21/06/2020)