Đầu tư tiền tỷ theo đuổi nghề trồng nấm.
18/09/2017

Một vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành ứng dụng khoa học - kỹ thuật để trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập của bà con nông dân cũng như giá trị sản xuất trên cùng diện tích so với các loại cây trồng khác tăng cao.

Trước đây, trại nấm của anh Vũ Văn Khánh (Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nấm ở ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) chỉ trồng nấm mèo, nấm rơm. 3 năm trở lại đây, anh còn trồng thêm nấm linh chi, nấm bào ngư. Đến nay, cơ sở của anh Khánh đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng 25 trại nấm, máy móc nhà xưởng, nồi hấp, bể lọc nước,… trên diện tích gần 2ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ, thu hoạch hơn 10 tấn nấm thành phẩm các loại.

Đến tham quan trại nấm đúng vào mùa thu hoạch, sân phơi đủ màu nâu, đỏ của các loại nấm, anh Vũ Văn Khánh cho biết, vụ này gia đình thu hoạch hơn 2 tấn nấm linh chi, gần 1 tấn nấm mèo, còn nấm bào ngư thì bán quanh năm. Riêng với nấm linh chi, cơ sở trồng theo đặt hàng của Công ty Minh Khải (tại TP. Hồ Chí Minh) - đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, anh Khánh còn bán cho các thương lái ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) và một số ít trong tỉnh BR-VT. Giá cả dao động tùy theo nhu cầu. Hiện nay, giá nấm Xích chi 600.000 đồng/kg; Hồng chi 800.000 đồng/kg; nấm Hàn Quốc 1.000.000 đồng/kg; nấm mèo 55.000 đồng/kg; bào ngư 30.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh Khánh thu lãi gần 200 triệu đồng/vụ.

Anh Khánh cho biết, riêng đối với nấm linh chi, để đạt chất lượng, giảm thiểu mầm bệnh, ngoài việc giống nấm linh chi được cấy vào hạt lúa, thì khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cũng phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt. Anh Khánh tự mình làm giá thể để sản xuất đại trà và xây lò hấp để loại bỏ mầm bệnh trên giá thể. Anh lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động để giữ ẩm cho nấm.

Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết: Hiện nay, 22 hộ trồng nấm trên địa bàn xã Xà Bang đã liên kết lại thành Tổ hội nghề nghiệp, với tổng diện tích các trang trại 41ha, sản lượng đạt 165 tấn/năm. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng kỹ thuật cao nên các hộ có thể trồng nấm quanh năm.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác và không tốn nhiều diện tích đất. Hiện nay, nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh bắt đầu có xu hướng phát triển, mở rộng với trên 60 hộ gia đình, DN trồng nấm. Một số địa phương như xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), xã Xà Bang (huyện Châu Đức) đã thành lập Tổ hợp tác trồng nấm để tạo dựng thương hiệu nấm linh chi.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, một số địa phương tuy đã xác định được vùng chuyên canh trồng nấm, đặc biệt là nấm linh chi nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đồng nhất. Đặc biệt, trong chuỗi liên kết giá trị, liên kết vùng miền, thông tin thị trường đến các cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu. Do đó, các địa phương cần tổ chức mô hình HTX, tổ hợp tác, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. 

Phương pháp chăm sóc, thu hái nấm linh chi

* Nhà trồng nấm phải bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, có mái chống mưa dột và chủ động được các điều kiện sinh thái như: Nhiệt độ thích hợp cho nấm mọc từ 220C đến 280C; độ ẩm không khí đạt 80-90% (hệ thống phun sương); ánh sáng khuếch tán và chiếu đều từ mọi phía; kín gió; không trồng quá dày, khó thu hoạch.

* Dùng dao hoặc kéo sắc cắt chân nấm sát bề mặt túi; nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ; phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 400C-450C; độ ẩm của nấm khô dưới 13%, tỷ lệ khoảng 3kg tươi được 1kg khô. 

Khi thu hái hết đợt 1, tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2. Khi kết thúc đợt nuôi trồng cần phải vệ sinh và thanh trùng nhà xưởng.


Số lượt đọc: 2432 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác