Tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi.
10/05/2018

Để khắc phục những hạn chế của Nghị định 67, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển; đồng thời giúp ngư dân yên tâm, vững vàng vươn khơi bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Nghị định này đưa ra một số quy định mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tín dụng, bảo hiểm…

ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯ DÂN

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (phường 3, TP.Vũng Tàu) chuẩn bị ra khơi. 

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 117 tàu đóng mới, 118 tàu nâng cấp và 3 chủ tàu vay vốn lưu động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 69 chủ tàu (đóng mới 68/117 tàu, nâng cấp 1/118 tàu) với tổng số tiền cam kết cho vay 1.033 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân 1.016 tỷ đồng. Trong đó, có 66 tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động. Nhìn chung, đa số “tàu 67” hoạt động hiệu quả. Đến nay, các chủ tàu đã trả nợ ngân hàng gần 34 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Sơn, ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền là chủ của 3 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Ông Sơn cho hay, từ khi hạ thủy đi vào hoạt động,  cả 3 tàu vỏ thép này đều hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần tàu vỏ gỗ, bởi tàu vỏ thép chịu được sóng gió tốt, chạy nhanh hơn, bám biển được dài ngày hơn, chứa được nhiều cá, đá so với tàu gỗ. Trung bình mỗi chuyến biển, ông Sơn thu lãi 200-300 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Đình Liến, ấp khu 1, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), chủ 2 “tàu 67” trị giá 39 tỷ đồng, chuyên hành nghề lưới rê, cho biết: “Trước đây, tôi đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, năng suất thấp. Vì vậy, khi Nghị định 67 có hiệu lực, tôi đã vay vốn ưu đãi đóng mới 2 tàu vỏ thép công suất 1000CV để đánh bắt xa bờ. Hiện mỗi chuyến biển, tôi thu lãi 100 triệu đồng”.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, Nghị định 67 đã giúp ngư dân chủ động đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển xa bờ, giảm áp lực khai thác trên vùng biển ven bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, ngư dân cũng mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào khai thác, bảo quản sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP

Bốc xếp cá tại cảng cá phường 5 (TP.Vũng Tàu). 

Bên cạnh nhiều mặt tích cực, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay, Nghị định này chưa có quy định đối với trường hợp ngư dân đang đóng hoặc mới đóng xong tàu thì chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác. Bên cạnh đó, trường hợp ngư dân đề nghị được vay vốn bổ sung vượt dự toán ban đầu do có sự điều chỉnh thiết kế hoặc do khối lượng vật tư thực tế vượt dự toán cũng bị vướng thủ tục. Về chính sách bảo hiểm (nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn và yên tâm khi hoạt động sản xuất trên biển, bảo đảm tài sản thế chấp cho nguồn vốn vay), thời gian hỗ trợ chỉ trong từng năm, trong khi các khoản vay kéo dài từ 10-15 năm nên khó khăn cho ngân hàng trong việc bảo toàn nguồn vốn vay. Ngoài ra, mức cho vay vốn lưu động chưa cao, cơ chế cho vay vẫn là cơ chế cho vay thương mại thông thường và phải phê duyệt qua nhiều cấp nên chưa tạo được sức hút đối với ngư dân.

Theo ý kiến của các ngân hàng thương mại, hiện nay việc cho vay theo Nghị định 67 gặp nhiều khó khăn do ngư dân không chứng minh được kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng tài chính, khả năng quản lý khi chuyển đổi từ đánh bắt truyền thống sang đánh bắt hiện đại. Chưa kể, trong quá trình đóng tàu, ngư dân hay thay đổi thiết kế tàu, công suất máy, dự toán… Thời gian từ khi lập dự toán đến khi thi công đóng tàu thường kéo dài dẫn đến giá nguyên vật liệu thay đổi, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát chi phí đóng tàu. Bên cạnh đó, các mẫu thiết kế của Bộ NN-PTNT phê duyệt và công bố thường không phù hợp với vùng biển đánh bắt của ngư dân nên hầu hết ngư dân tại tỉnh BR-VT tự liên hệ với các đơn vị thiết kế để thiết kế theo ý mình, dẫn đến mất thời gian, tốn kém chi phí và cũng là kẽ hở để một số người lợi dụng lập dự toán cao hơn thực tế, lấy tiền sử dụng vào mục đích khác…

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2018). Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện, chủ tàu mới vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ. Đặc biệt, Nghị định này quy định chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. Cụ thể, với tàu cá công suất từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được xem xét hỗ trợ 35% giá trị tàu đóng mới, nhưng không vượt quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu công suất 1.000CV trở lên, chủ tàu được xem xét hỗ trợ 35% giá trị con tàu, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Cùng với đó, Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ (hằng năm) 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu và hỗ trợ (hằng năm) 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro, không bao gồm bảo hiểm ngư cụ). 

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, Nghị định 17 sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho ngư dân trong quá trình vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu; vốn lưu động để sản xuất kinh doanh; bảo hiểm... Thời gian tới, ngành thủy sản sẽ phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 17 để người dân nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm liên quan.


Số lượt đọc: 2029 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác