Những năm gần đây, phát triển du lịch di sản là hướng đi mới trong phát triển kinh tế và du lịch Việt Nam do nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm về thiên nhiên, con người và văn hóa Việt Nam của du khách ngày càng cao.
Du khách vui chơi ở khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, TP.Cần Thơ.
Là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ đang tập trung tìm hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch dồi dào là các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc của thành phố, bảo đảm gắn kết nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch bền vững tại địa phương.
Theo ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, thành phố chủ trương đến năm 2020 thực hiện bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa dân gian thông qua các chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản và hỗ trợ, khuyến khích phát triển các câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại mỗi địa phương nhằm giữ gìn và nhân rộng những giá trị này trong sinh hoạt cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ lồng ghép trong các chương trình, sự kiện văn hoá lớn được tổ chức tại Cần Thơ những tiết mục về nghệ thuật dân gian, di sản văn hoá nhằm quảng bá di sản văn hoá Cần Thơ, đồng thời kết hợp giáo dục truyền thống cho những người trẻ tuổi.
Ngành du lịch thành phố sẽ kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hình mở các khoá đào tạo cho đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản cho đến những người làm du lịch kiến thức về văn hóa và kinh doanh du lịch, cũng như quan điểm khai thác du lịch hợp lý đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đặc biệt, cán bộ phát chuyên trách tại các khu vực di sản sẽ được trang bị kỹ năng giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia phát triển du lịch, nhất là cộng đồng địa phương.
Thành phố sẽ thực hiện đầu tư thỏa đáng cho công tác kiểm kê hệ thống di sản và nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản để quản lý và xây dựng chiến lược khai thác một cách bài bản; trong đó, chú ý đến quy mô, mức độ và thời điểm khai thác, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho trùng tu, bảo tồn di sản, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản.
Trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, thành phố chủ trương kiện toàn, tăng cường hoạt động của các Ban Quản lý di tích; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh tại các điểm di tích đang được khai thác phục vụ du lịch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện.
Trong việc phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch, thành phố tập trung đến năm 2020 đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch; thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng và tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các làng nghề; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy tại các làng nghề gắn với du lịch.
Đặc biệt, thành phố đặt mục tiêu trở thành địa phương tiên phong của khu vực Tây Nam Bộ áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hoá: điều tra, ghi nhận thực tế bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại các phong tục, tập quán, lễ hội hoặc những hình thái phi vật thể có nguy cơ mai một để làm cơ sở bảo lưu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống số hóa và phổ biến những thông tin về di sản trên mạng internet nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản và trách nhiệm trong bảo lưu giá trị truyền thống.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành phố Cần Thơ hiện có 104 loại hình di sản văn hoá phi vật thể; 2 trong số này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng và Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy.
Du khách du lịch đường sông tham quan chợ nổi Cái Răng.
Một số di sản khác cũng khẳng định được vị thế, làm nên bản sắc Cần Thơ như Hò Cần Thơ, Lễ Tống Phong của người Việt ở Cần Thơ, Lẩu mắm Cần Thơ... Những di sản này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, trở thành tài nguyên phát triển du lịch quý báu.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ở Cần Thơ hiện nay chưa tương xứng với những giá trị gốc rễ của di sản. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương.
Đơn cử như nghệ thuật hát bội Cần Thơ có nhiều nghệ nhân lão thành dù rất tâm huyết nhưng lại không có điều kiện phát triển nghề vì cuộc sống quá thiếu thốn, khó khăn; họ cũng không thể truyền nghề lại cho thế hệ sau vì những nghệ nhân trẻ sau một thời gian bám trụ với nghề cũng đành phải chuyển qua công việc khác có mức thu nhập ổn định hơn.
Không chỉ có các loại hình diễn xướng mà nhiều loại hình ngữ văn dân gian và tập quán xã hội, nghi lễ của Cần Thơ cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, đặc biệt là các lễ tục đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ vào bóng mát của dân tộc Khmer, Lễ đổ đầu của dân tộc Chăm... đang dần “thất truyền” vì chủ thể thực hành di sản hầu hết đã lớn tuổi, trí nhớ giảm và ít có thế hệ kế thừa.
- Năm 2020 toàn tỉnh có 37 xã nông thôn mới. (28/02/2018)
- Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 3-2018. (28/02/2018)
- Ngày thơ sẽ được tổ chức tại đường sách (Bãi Trước, TP. Vũng Tàu). (28/02/2018)
- TP HCM chi hơn 2.300 tỷ đồng tăng thu nhập cho cán bộ (28/02/2018)
- Kỹ sư Hàn quyết cưới cô gái Việt bất chấp sự phản đối của mẹ (28/02/2018)
- 'Kiều nữ' miền Tây điều hành đường dây đánh bạc 2.000 tỷ đồng (28/02/2018)
- Bò mẹ sinh ba con bê hiếm gặp (28/02/2018)
- Thêm bột nghệ vào 3 món đồ uống mỗi ngày để cả đời không lo bệnh, sống khỏe tới già (27/02/2018)
- Tại sao bạn nên ăn chuối mỗi ngày thay vì các loại quả khác? (25/02/2018)
- Công ty cổ phần Thành Trí - Thành Phố Vũng Tàu trao quà tết năm 2018 (29/01/2018)